Marketing là một ngành liên tục được phát triển theo thời gian, vì vậy các doanh nghiệp có thể dễ dàng bị lạc hậu, bị bỏ lại phía sau nếu họ đứng im quá lâu mà không cập nhật kiến thức và kinh nghiệm mới. Một ví dụ cho sự phát triển trong ngành Marketing là những thay đổi cơ bản trong Marketing Mix. 4P là một công cụ đắc lực trong ngành này, tuy nhiên trong thời điểm hiện tại, khi mọi thứ đang thay đổi quá nhanh, thì sự phát triển của 7P được nhiều chuyên gia Marketing và doanh nghiệp sử dụng.
Trước khi đi tìm hiểu Marketing Mix mở rộng này, chúng ta cùng xem lại lý thuyết 4P là gì.
1. Marketing Mix 4P
Marketing Mix ban đầu có 4 yếu tố cơ bản:
- Product (sản phẩm): Sản phẩm phải phù hợp với nhu cầu của khách hàng, đáp ứng được mong đợi của người tiêu dùng.
- Price (giá): Sản phẩm phải có mức giá phù hợp với giá trị của sản phẩm. Một trong những nguyên lý về giá là khách hàng thường vui lòng chi trả nhiều hơn một chút để nhận về sản phẩm có giá trị thực sự cho họ.
- Place (địa điểm): Sản phẩm được đặt ở nơi mà khách hàng mục tiêu dễ dàng mua sắm nhất. Có thể là trung tâm thương mại, tiệm tạp hoá, siêu thị, hoặc hiện đại hơn là thương mại điện tử, cửa hàng trực tuyến, …
- Promotion (quảng bá): Quảng cáo, PR, khuyến mại, bán hàng, truyền thông xã hội, … là những công cụ quảng bá quan trọng trong doanh nghiệp. Những công cụ này dùng để truyền tải thông điệp của sản phẩm, của tổ chức đến đúng khách hàng mục tiêu của họ.

Đọc thêm: 4P trong Marketing
2. Mô hình 7P ra đời
Mô hình 4P được xem là cơ bản và cốt lõi trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Tuy vậy 4P được ra đời trong thời điểm các doanh nghiệp chỉ chú trọng bán sản phẩm, chưa quan tâm đến dịch vụ và vai trò của dịch vụ khách hàng. Năm 1981, Booms và Pitner thêm 3 yếu tố nhằm bổ sung cho 4P, đó là: People (con người), Processes (quy trình) và Physical Evidence (bằng chứng hữu hình). Kết hợp giữa 4P và 3 yếu tố được thêm, mô hình 7P được ra mắt. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tập trung vào 3 yếu tố mới được thêm vào.
3. 7P trong Marketing
a. People (con người)
Nhân viên của chúng ta là ai và kiến thức, kỹ năng, thái độ của họ như thế nào?
Yếu tố People (con người) trong 7P là các cá thể liên quan (trực tiếp hoặc gián tiếp) tham gia vào bộ phận kinh doanh của doanh nghiệp. Họ có thể là nhân viên văn phòng, người lao động, nhân viên kinh doanh, nhân viên Marketing, … Đây là những người tham gia vào việc bán một sản phẩm hoặc dịch vụ, thiết kế, quản lý, …
Một sản phẩm chất lượng, một thương hiệu tuyệt vời, ý tưởng sáng tạo sẽ vô ích nếu doanh nghiệp không có những người đồng hành phù hợp. Điều cốt lõi trong sự tồn tại của doanh nghiệp là họ phải đảm bảo tất cả nhân viên của mình, bất kể họ ở khối văn phòng hay đi giao tiếp trực tiếp với khách hàng đều được đào tạo công bằng, hiểu rõ vai trò của mình cũng như tác động của từng cá nhân đối với sự phát triển của công ty.
Tất cả mọi vị trí trong công ty đều rất quan trọng. Rõ ràng, doanh nghiệp không muốn có một người quản lý thiếu kỹ năng về con người, nhân viên bán hàng không thể đồng cảm với những khó khăn của khách hàng. Mọi nhân viên đều phải trả lời được câu hỏi: liệu chúng ta có chia sẻ, đồng điệu với tầm nhìn của công ty, hiểu được mong đợi của khách hàng hay không?
Tuyển dụng và giữ chân đúng người là điều bắt buộc trong sự thành công dài hạn và ngắn hạn của công ty.
b. Processes (quy trình)
Có những rào cản nào liên quan đến quy trình nội bộ cản trở việc mang lai giá trị tốt nhất cho khách hàng hay không?
Quy trình mô tả hàng loạt các hành động được thực hiện nhằm cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ cho khách hàng. Các doanh nghiệp thường xuyên kiểm định lại quy trình của mình, đánh giá các khía cạnh như phễu bán hàng, hệ thống thanh toán, hệ thống phân phối, quản lý mối quan hệ khách hàng, …
Các quy trình cần thiết phải được tối ưu bằng cách giảm thiểu chi phí cho phía công ty, đồng thời tối đa hoá lợi ích và giá trị mang lại cho khách hàng. Việc liên tục đánh giá, cải tiến, tối ưu hoá các quy trình sẽ giúp ích cho việc bán hàng của công ty và đảm bảo những quy trình này luôn được cập nhật và phù hợp với xu thế hiện tại.
c. Physical Evidence (bằng chứng hữu hình)
Chúng ta tạo niềm tin cho khách hàng bằng cách nào? Toà nhà ấn tượng, đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, website bắt mắt?
Khi khách hàng quyết định chọn lựa một sản phẩm, họ cần phải tìm hiểu kỹ càng về thương hiệu đấy, có hợp pháp không, có toà nhà hay văn phòng gì không?
Thông thường, bằng chứng hữu hình tồn tại dưới 2 hình thức:
- Bằng chứng về dịch vụ hoặc sản phẩm đã mua. Ví dụ: biên lai, bao bì, hoá đơn, hoá đơn điện tử, file PDF, …
- Xác nhận về sự tồn tại và tính hợp pháp của thương hiệu: Ví dụ: trang website, danh thiếp, toà nhà, trụ sở, hiện diện của công ty trên mạng xã hội, …
Đây là những yếu tố mà người tiêu dùng có thể nhìn thấy trước khi liên lạc hoặc ra quyết định mua sản phẩm, dịch vụ.
4. Marketing Mix 8P?
Trong một số lĩnh vực cụ thể, các nhà nghiên cứu đã định nghĩa thêm chữ P thứ 8, ngoài các yếu tố thuộc 7P như trên. Tuy vậy, chưa có sự thống nhất chung giữa các nghiên cứu này. Sau đây là một số chữ P thứ 8 mà các nghiên cứu đã chỉ ra:
- Productivity and Quality (Năng suất và chất lượng)
- Partnership hay Partner (đối tác)
- Philosophy (triết lý kinh doanh, hoặc triết lý giáo dục)
Tổng kết
Như vậy chúng ta đã tìm hiểu qua Marketing Mix 7P, kể từ khi được công bố vào những năm 1940, mọi chữ P trong mô hình này đều được áp dụng, nghiên cứu và phát triển rộng rãi. Với công cụ này, các doanh nghiệp có thể cụ thể hoá chiến lược Marketing của mình, từ đó giúp khách hàng hài lòng, nhân viên hiểu rõ hơn, cũng như công việc kinh doanh được suôn sẻ, ổn định và phát triển. Sử dụng công cụ một cách hiệu quả, công ty sẽ xây dựng được chiến lược hợp lý, thu hút và giữ chân khách hàng tốt hơn, đáp ứng được các mong đợi và nhu cầu của người tiêu dùng.