Chỉ số Quản lý Thu Mua (PMI) là gì?
Chỉ số Quản lý Thu mua – Purchasing Managers Index (PMI) là chỉ số thể hiện xu hướng kinh tế phổ biến trong lĩnh vực kinh tế và dịch vụ. Chỉ số này thể hiện điều kiện thị trường đang được nhìn nhận như thế nào: có sự cải thiện, không có thay đổi, tình trạng kinh tế xấu đi. Mục đích của chỉ số PMI là cung cấp thông tin về điều kiện kinh doanh hiện cho những nhà quản trị công ty, nhà phân tích và nhà đầu tư trên thị trường.
Cách hoạt động của chỉ số PMI
PMI do Viện Quản lý Cung ứng (ISM) và IHS Markit Group tổng hợp và phát hành hàng tháng. Tại Việt Nam, hiện tại chỉ số PMI được IHS Markit Group thống kê. PMI dựa trên cuộc khảo sát hàng tháng được gởi tới các giám đốc điều hành cấp cao của hơn 400 công ty dựa trên tỷ trọng đóng góp vào GDP.
Các mục khảo sát phổ biến là: Đơn đặt hàng mới (30%), Sản lượng (25%), Việc làm (20%), Thời gian giao hàng của nhà cung cấp (15%) và Tồn kho hàng mua (10%). Các câu trả lời bao gồm: Mở rộng, không thay đổi, thu hẹp lại. Sau đó PMI được tính toán và có giá trị từ 0 đến 100%.
PMI có giá trị trên 50 thể hiện khả năng sản xuất và dịch vụ được mở rộng so với tháng trước, dưới 50 thể hiện sự hẹp lại và PMI bằng 50 cho thấy sự không thay đổi. Chỉ số này càng xa so với 50 thì độ thay đổi được dự báo là càng lớn. Công thức PMI được tính như sau:
PMI = (P1 * 1) + (P2 * 0.5) + (P3 * 0)
Trong đó:
- P1 là phần trăm câu trả lời báo cáo rằng sẽ có sự tích cực trong sản xuất và dịch vụ
- P2 là phần trăm câu trả lời báo cáo không thay đổi
- P3 là phần trăm câu trả lời báo cáo rằng sản xuất và dịch vụ sẽ bị thu hẹp lại
PMI ảnh hưởng đến kinh tế như thế nào?
Thông thường PMI sẽ được công bố trước các chỉ số chính khác như GDP, sản lượng công nghiệp, sản xuất. Vì vậy PMI thường được xem là một chỉ báo tốt cho hoạt động kinh tế. PMI cho chúng ta thấy được hướng đi của nền kinh tế trong tương lai và giúp cho các nhà kinh tế học dự đoán hoạt động sản xuất trong nước. Các nhà sản xuất và nhà cung cấp sử dụng chỉ số này để quyết định về nhu cầu sản xuất trong những tháng tới. Ngoài ra, chỉ số PMI cũng sẽ giúp ích cho các nhà đầu tư chứng khoán, vì PMI sẽ giúp xác định tình hình kinh tế của đất nước. Một số ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia cũng sử dụng chỉ số này để đưa ra quyết định về lãi suất.