Chúng ta thường hay nghe thuật ngữ Chiến lược và Chiến thuật trong môi trường công ty hoặc trên các bài báo. Có nhiều điểm khác biệt giữa 2 khái niệm này, tuy vậy nhiều người còn hay bị nhầm lẫn. Trong bài viết dưới đây chúng ta sẽ đi tìm hiểu về Chiến lược và Chiến thuật, sự khác biệt và giống nhau của chúng.
Sự khác biệt giữa Chiến lược và Chiến thuật
Chiến lược được sử dụng để xác định điểm đến và cách thức chúng ta đi được tới đó.
Chiến thuật là vạch ra những hành động cụ thể mà chúng ta sẽ thực hiện trong suốt chặng đường.
Khoảng 2500 năm trước, nhà chiến lược quân sự của Trung Quốc – Tôn Tử đã viết “Nghệ thuật chiến tranh”, trong đó ông nói: “Chiến lược mà không có chiến thuật là con đường chậm nhất dẫn đến chiến thắng. Chỉ có những chiến thuật mà không có chiến lược thì sẽ bị rối tung trước khi thất bại.”. Như vậy có thể nói, chiến lược và chiến thuật không mâu thuẫn với nhau, mà chúng thuộc cùng một đội.
- Chiến lược: Xác định mục tiêu dài hạn và cách chúng ta dự định đạt được chúng. Nói cách khác, chiến lược cung cấp cho chúng ta con đường cần thiết để đạt được sứ mệnh của tổ chức.
- Chiến thuật: Cụ thể hơn, hướng đến từng bước nhỏ hơn và khung thời gian ngắn hơn trên con đường đi đến mục tiêu đấy. Thông thường chiến thuật là các phương pháp, kế hoạch cụ thể, nguồn lực, …
Điều gì tạo nên một chiến lược tốt?
Một chiến lược vững chắc phản ánh các giá trị cốt lõi của tổ chức. Chiến lược nên được xây dựng từ mọi ý kiến từ các phòng ban trong tổ chức để đảm bảo có sự phù hợp giữa chiến lược và sự phối hợp giữa các bộ phận khác. Đặc biệt chú ý khi xây dựng chiến lược, đây là phải hành động có thể thực hiện được.
Khi tạo ra một chiến lược tốt, hãy tập trung vào kết quả mong muốn cuối cùng, thường được gọi là mục tiêu. Chiến lược sẽ là nền tảng cho mọi hoạt động của tổ chức và cách thức nó được xây dựng sẽ hướng dẫn cho các nhóm thực hiện công việc để đạt được mục tiêu đó.
Ví dụ: Nếu công ty có mục tiêu là mở rộng thị phần, chiến lược của họ có thể là việc đưa ra mức giá cạnh tranh nhất có thể, đồng thời luôn luôn có sẵn sản phẩm cung cấp cho thị trường.
Điều gì tạo nên một chiến thuật tốt?
Một chiến thuật tốt có mục đích rõ ràng sẽ hỗ trợ cho chiến lược. Chiến thuật phải có mốc thời gian cụ thể, trong đó các hoạt động chi tiết sẽ được thực hiện, đồng thời chúng ta phải đo lường được những hành động ấy.
Ví dụ: Chiến thuật là phân tích các quy trình sản xuất để giảm thiểu lãng phí và kém hiệu quả, từ đó chúng ta có thể giảm chi phí đầu vào và giảm giá thành cho khách hàng. Công ty có thể đo lường rõ ràng sự thành công của chiến thuật này bằng cách so sánh chi phí trước và sau khi phân tích.
“Suy nghĩ có chiến lược, hành động có chiến thuật”
Sau đây là một vài ví dụ và các lưu ý về chiến lược và chiến thuật:
- Chiến lược dựa trên nghiên cứu sâu rộng, lập kế hoạch và có tầm nhìn dài hạn. Ngược lại, chiến thuật là những hành động ngắn hạn. Ví dụ: nếu chiến lược Marketing của chúng ta là cải thiện sự ảnh hưởng và hiệu suất trên mạng xã hội, thì chiến thuật có thể là xác định các kênh Marketing tốt nhất cho doanh nghiệp, đồng thời xây dựng các thông điệp hiệu quả nhất đến với khách hàng. Các chiến lược có thể thay đổi để thích ứng với các yếu tố bên trong hoặc bên ngoài tổ chức, nhưng sự thay đổi này không dễ để thực hiện. Chiến thuật thì dễ điều chỉnh hơn nhiều, chiến thuật có thể thay đổi dựa trên sự thành công của chiến lược. Chính vì vậy hãy đảm bảo việc lập kế hoạch chiến lược phải thực hiện kỹ lưỡng.
- Chiến lược và chiến thuật kết hợp với nhau để thực hiện một mục tiêu. Nếu chiến lược của chúng ta là leo núi, thì chiến thuật sẽ là các dụng cụ cần thiết, đồng đội leo chung, kế hoạch chuyến đi hoàn chỉnh, thời gian thực hiện leo núi, … Một chiến lược mà không có chiến thuật sẽ không bao giờ thực hiện được, đồng nghĩa với mục tiêu lớn hơn sẽ khó mà đạt được.
- Chiến lược và chiến thuật phải phù hợp với nhau.
- Nguồn lực trong tổ chức luôn có hạn, vì vậy việc lựa chọn chiến lược phù hợp và chiến thuật tương ứng sẽ đảm bảo mọi nỗ lực sẽ hướng đến mục tiêu theo cách hiệu quả nhất.
Đo lường, theo dõi tiến độ của Chiến lược và chiến thuật
Đối với chiến lược, công cụ mà các doanh nghiệp thường hay sử dụng dể đo lường và theo dõi là chỉ số đo lường hiệu quả công việc (Key Performance Indicator – KPI). Nếu chiến lược thành công, điều đó có nghĩa là chúng ta đang tiến tới gần hơn các mục tiêu cấp cao của tổ chức.
Với chiến thuật thì việc đo lường và theo dõi tiến độ sẽ phức tạp hơn một chút, do chiến thuật phụ thuộc nhiều vào kế hoạch và các thành phần nhỏ trong đó. Chiến thuật thường có ngày bắt đầu và ngày kết thúc, các tài nguyên cần thiết để sử dụng và hành động cụ thể để giúp đạt được chiến thuật. Công cụ thường được sử dụng trong doanh nghiệp để đo lường các chiến thuật là OKR (Objective Key Results – Quản trị theo mục tiêu) và KPI.