Chuỗi giá trị là gì?
Chuỗi giá trị là một mô hình mô tả đầy đủ các chức năng, hoạt động cần thiết để tạo ra một sản phẩm hoặc dịch vụ trong doanh nghiệp. Các công ty phân tích chuỗi giá trị của mình để đánh giá các chi tiết từng hoạt động kinh doanh. Mục đích của việc phân tích chuỗi giá trị là làm tăng hiệu quả sản xuất để một công ty có thể mang lại giá trị tối đa với chi phí thấp nhất có thể.
Giá trị được tạo ra và thu được – Chi phí tạo ra giá trị = Lợi nhuận
Như vậy ở đây chúng ta thấy, một công ty muốn có lợi nhuận tốt thì phải tạo ra càng nhiều giá trị thì càng có khả năng sinh lợi. Song song đó, việc kiểm soát và tối ưu chi phí vận hành để tạo ra các giá trị đó cũng rất quan trọng, càng tối ưu thì lợi nhuận càng tăng. Công cụ chuỗi giá trị của Porter sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát tất cả các hoạt động kinh doanh, xác định các chi phí và ảnh hưởng của các hoạt động đến lợi nhuận.
Các yếu tố trong chuỗi giá trị
Ngày nay sự cạnh tranh của các công ty ngày càng tăng, vì vậy các doanh nghiệp phải liên tục kiểm tra giá trị mà họ tạo ra để duy trì lợi thế cạnh tranh của mình. Chuỗi giá trị có thể giúp phát hiện các hoạt động kém hiệu quả, sau đó thực hiện các chiến lược để tối ưu hoá từng bộ phận để đạt được hiệu quả và lợi nhuận tối đa.
Chuỗi giá trị được Michael E. Porter phát triển và giới thiệu trong cuốn sách “Competitive Advantage: Creating and Sustaining Superior Performance”. Theo đó, Porter chia các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thành 2 loại: Hoạt động chính và hoạt động bổ trợ.

Hoạt động chính
Các hoạt động chính liên quan trực tiếp đến việc tạo ra, bán, bảo trì, hỗ trợ sản phẩm và dịch vụ, …
- Hậu cần cần đầu vào: Quá trình liên quan đến việc mua hàng, lưu trữ và tồn trữ các nguyên vật liệu. Mối quan hệ với nhà cung cấp là yếu tố chính trong việc tạo ra giá trị ở hoạt động này.
- Vận hành: Những hoạt động biến đổi đầu vào thành đầu ra để tạo ra sản phẩm và dịch vụ bán cho khách hàng.
- Hậu cần đầu ra: Những hoạt động phân phối, cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho người tiêu dùng. Các hoạt động có thể là tồn trữ, bảo quản hàng hoá, phân phối và xử lý đơn hàng, …
- Marketing và bán hàng: Những hoạt động được sử dụng để thuyết phục khách hàng mua hàng. Đó có thể là quảng cáo, khuyến mãi, các chiến lược bán hàng, …
- Dịch vụ: các hoạt động để duy trì giá trị của sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng đã mua sản phẩm. Điều này giúp nâng cao trải nghiệm cho người tiêu dùng, có thể là lắp đặt, hỗ trợ khách hàng, bảo hành, sửa chữa sản phẩm, …
Hoạt động bổ trợ
Các hoạt động bổ trợ giúp cho các hoạt động chính ở trên được hiệu quả hơn. Khi chúng ta tăng hiệu quả hoạt động bổ trợ thì sẽ mang lại lợi ích cho một số hoạt động chính.
- Thu mua: Các hoạt động giúp cho doanh nghiệp có được nguồn lực cần thiết. Thông thường hoạt động này bao gồm tìm kiếm nhà cung cấp, thương lượng về giá, số lượng nguyên vật liệu, …
- Phát triển công nghệ: các hoạt động liên quan đến quản lý và xử lý thông tin, thiết kế và phát triển các kỹ thuật sản xuất, tự động hoá các quy trình, … Hoạt động này thường được sử dụng trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển của công ty.
- Quản trị nguồn nhân lực: Các hoạt động tuyển dụng, đào tạo, tạo động lực, khen thưởng, giữ chân nhân viên. Những nhân viên tạo ra giá trị bằng cách hoàn thành mục tiêu, chiến lược chung của công ty, đây là nguồn giá trị quan trọng bậc nhất trong một doanh nghiệp.
- Cấu trúc hạ tầng của doanh nghiệp: Đây là những hệ thống hỗ trợ và cho phép công ty có thể duy trì hoạt động hàng ngày. Ví dụ như bộ phận pháp lý, kế toán, tài chính, hành chính, quản lý chung, kiểm soát chất lượng, …