Định luật Yerkes-Dodson – Áp lực và hiệu suất12 phút đọc

Định luật Yerkes-Dodson

Định luật Yerkes-Dodson là gì?

Định luật Yerkes-Dodson cho rằng hiệu suất và sự kích thích tạo nên áp lực có liên quan trực tiếp với nhau. Nói một cách đơn giản, khi chúng ta gia tăng áp lực đến một mức độ nhất định thì hiệu suất có thể tăng lên. Tuy vậy nếu áp lực công việc quá cao, khi đấy hiệu suất bắt đầu giảm dần.

Định luật Yerkes-Dodson lần đầu tiên được đề xuất vào năm 1908 bởi hai nhà tâm lý học Robert Yerkes và John Dillingham Dodson. Trên thí nghiệm về loài chuột, họ phát hiện rằng những con chuột này có thể được thúc đẩy để tìm lối ra của mê cung bằng những cú sốc điện nhẹ. Nhưng khi mức độ sốc điện tăng lên thì những con chuột này mất nhiều thời gian hơn để tìm lối thoát, có thể là chúng tập trung vào việc tránh né những cú sốc điện nhiều hơn là thực hiện thử nghiệm. Từ thí nghiệm trên, 2 nhà tâm lý học đã phát hiện sự liên quan giữa căng thẳng, lo lắng với hiệu suất của công việc.

Đường cong Yerkes-Dodson

Định luật Yerkes-Dodson có hình dáng là một đường cong chữ U lộn ngược.

  • Phía bên trái của đường cong biểu thị cho sự căng thẳng thấp, mức độ kích thích nhẹ. Khi không có áp lực trong công việc, chúng ta sẽ không có lý do để làm việc chăm chỉ và tập trung vào nhiệm vụ, thay vào đó ta tiếp cận công việc với một thái độ hời hợt, làm cẩu thả, không có động cơ thực hiện.
  • Ngược lại phía bên phải biểu thị cho áp lực cao. Chúng ta bị choáng ngợp với khối lượng và quy mô của công việc. Trong đa phần trường hợp, ta sẽ hành động vội vàng, căng thẳng và hoảng loạn.
  • Ở giữa đường cong là mức độ kích thích trung bình, vừa phải. Chúng ta có động lực để làm việc chăm chỉ, không quá áp lực để cảm thấy khó khăn. Đây là nơi chúng ta thực hiện công việc tốt nhất, đạt được năng suất cao nhất.
Định luật Yerkes-Dodson
Định luật Yerkes-Dodson
Mức độ kích thích thấp

Trong công việc, đôi khi chúng ta không cảm thấy áp lực chưa hẳn là điều tích cực cho hiệu suất công việc.

Ví dụ, khi công việc chỉ đơn thuần là thói quen, không có sự thay đổi nào quá lớn thì sự chán nản sẽ xuất hiện. Như vậy không có căng thẳng, không có sự kích thích sẽ không sinh ra động lực làm việc. Chúng ta không bị thử thách và không có động cơ để cố gắng hơn trong công việc. Sau một thời gian, đôi khi chúng ta sẽ cảm thấy công việc dần trở nên vô nghĩa, và chúng ta dễ có suy nghĩ làm việc hời hợt, không mang tính trách nhiệm cao.

Mức độ kích thích tối ưu

Mức độ căng thẳng vừa phải sẽ giúp ích cho công việc, tạo động lực và nâng cao hiệu suất. Chúng ta sẽ làm việc trong trạng thái tinh thần minh mẫn, tỉnh táo nhất. Đây là mức đỉnh trên đường cong Yerkes-Dodson. Rất khó để xác định được như thế nào là mức độ kích thích tối ưu trong thực tế, chúng ta sẽ cùng bàn luận một vài yếu tố ảnh hưởng trong phần sau.

Mức độ kích thích cao

Một người bị căng thẳng quá mức sẽ dễ gây ra những hành động không kiểm soát được. Ví dụ như hoảng loạn, lo lắng, kém tập trung, căng thẳng, không có khả năng đưa ra quyết định, phản ứng quá mức, … Như vậy, khả năng tập trung vào mọi việc sẽ giảm đi khi mức độ căng thẳng tăng lên, từ đó khiến hiệu suất công việc thấp hơn.

Ví dụ: Một ví dụ điển hình cho đường cong Yerkes-Dodson là sự lo lắng khi chúng ta phải đối diện trước một kỳ thi nào đó. Nếu mức độ lo lắng ở mức cần bằng, bình thường, không quá mức thì chúng ta sẽ dễ dàng hiểu bài học và ghi nhớ tốt hơn. Ngược lại, nếu chúng ta cảm thấy lo lắng quá mức, khả năng ghi nhớ và suy luận của ta sẽ bị giảm rõ rệt.

Các yếu tố ảnh hưởng đến áp lực và hiệu suất

Tất cả mọi người trong chúng ta đều trải qua căng thẳng theo nhiều cách khác nhau, mức độ căng thẳng tối ưu của chúng ta sẽ không giống với mức độ của người khác. Những yếu tố ảnh hưởng đến căng thẳng và hiệu suất bao gồm:

Trình độ – Kỹ năng

Trong công việc, nếu có những thứ mới mẻ thì có thể tạo ra thách thức và động lực để chúng ta thực hiện công việc. Chúng ta sẽ quan tâm hơn, chú tâm hơn vào việc nâng cao trình độ, kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng, vì vậy tự nhiên bản thân chúng ta sẽ có động lực.

Ngược lại, nếu chúng ta thực hiện công việc trong một thời gian dài, đã có được những kiến thức và kỹ năng cao, lúc này chúng ta sẽ dễ có cảm giác buồn chán, có ít động lực hơn để thực hiện công việc.

Vì vậy, đôi khi trong công việc, chúng ta cũng nên thay đổi một vài thứ để tạo ra thách thức đủ lớn cho bản thân, có thể là thay đổi phương pháp làm việc, cố gắng hoàn thành công việc tốt hơn, rút ngắn thời gian hơn, …

Tính cách

Tính cách cá nhân của một người cũng sẽ ảnh hưởng đến việc họ đối diện với áp lực và căng thẳng như thế nào. Một số nhà tâm lý học cho rằng những người hướng ngoại có khả năng làm việc tốt hơn trong những công việc có áp lực cao, những người hướng nội làm việc hiệu quả hơn với ít áp lực hơn.

Tuỳ thuộc vào tính chất công việc, tính cách cá nhân, kinh nghiệm sống của chúng ta sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chúng ta dễ bị căng thẳng như thế nào, cách chúng ta đối phó với những áp lực đó ra sao.

Sự tự tin

Chúng ta sẽ thực hiện công việc tốt hơn, đặc biệt là dưới điều kiện áp lực cao nếu chúng ta tự tin khi mới bắt đầu thực hiện. Lúc này, mọi thứ xung quanh sẽ diễn ra thuận lợi hơn, chúng ta sẽ tràn ngập những suy nghĩ tích cực, và hướng sự tập trung vào công việc và nhiệm vụ tối đa.

Ngược lại nếu chúng ta thiếu đi sự tự tin, suy nghĩ tiêu cực dần xuất hiện, ta sẽ có cảm giác tự phê bình bản thân, từ đó gây ra việc mất tập trung và không thể hoàn thành tốt công việc.

Độ phức tạp của công việc và nhiệm vụ

Cuối cùng, độ phức tạp của công việc và nhiệm vụ là mức độ chú ý và nỗ lực mà chúng ta phải đặt hoàn toàn vào công việc. Chúng ta có thể thực hiện các công việc đơn giản dưới một áp lực khá cao (ví dụ như chúng ta đang rất vội vã vào buổi sáng, tuy vậy công việc đánh răng rửa mặt đều thực hiện được một cách dễ dàng). Ngược lại, các công việc có tính chất phức tạp cao thì sẽ được thực hiện tốt hơn trong môi trường yên tĩnh, áp lực thấp. Tuy vậy cần lưu ý rằng mức độ phức tạp của công việc và nhiệm vụ không ai giống ai, có người thì đã có kiến thức và kỹ năng cao thì xem công việc này là đơn giản, có người ít kinh nghiệm thì thấy khó khăn khi thực hiện.

Áp dụng định luật Yerkes-Dodson

Như vậy, về cơ bản mọi người khi thực hiện công việc thì sự căng thẳng và áp lực là cần thiết, tuy vậy không nên quá nhiều khiến chúng ta dễ bị choáng ngợp, thực hiện công việc kém hiệu quả. Đồng thời, đối với mỗi cá nhân thì mức độ kích thích tối ưu sẽ khác nhau.

Khi chúng ta cảm thấy công việc ít có sự kích thích, không có nhiều áp lực thì hiệu suất công việc sẽ không hiệu quả (đồng nghĩa với phía bên trái của đường cong). Để khắc phục, chúng ta cần nâng cao tính chuyên nghiệp, tinh thần tự giác trong công việc.

Ngược lại, nếu công việc có quá nhiều áp lực, hiệu suất công việc cũng sẽ không tốt (bên phải của đường cong), lúc này chúng ta cần được đào tạo, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc tốt hơn.

Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời kinhtequantri một ly cà phê nhé!

By admin
0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
%d bloggers like this: