Đơn vị kinh doanh chiến lược (SBU) là gì?
Đơn vị kinh doanh chiến lược (SBU – Strategic Business Unit) là một tổ chức hoặc một đơn vị hoạt động hoàn toàn độc lập trong doanh nghiệp, có tầm nhìn và lộ trình hoạt động riêng. Tuy hoạt động độc lập nhưng các đơn vị này phải thường xuyên báo cáo tình hình hoạt động, hiệu quả kinh doanh của họ với doanh nghiệp chính. Thông thường các SBU sẽ nhắm vào một thị trường cụ thể.
Để hoạt động độc lập, các SBU này cần phải đủ lớn mạnh, có các chức năng riêng như nhân sự, đào tạo và phát triển, marketing, … Chính vì vậy, cấu trúc cơ cấu tổ chức tốt nhất chính là cấu trúc sản phẩm (ví dụ như các công ty có nhiều sản phẩm như P&G, LG, Samsung, …). Từng sản phẩm sẽ được thực hiện bởi một đơn vị kinh doanh nhỏ khác nhau, giúp chúng có thể theo dõi doanh thu, chi phí, lợi nhuận một cách độc lập. Đồng thời, những SBU này cũng hoàn toàn độc lập trong việc đưa ra các quyết định, đầu tư và các vấn đề liên quan tài chính ngân sách. Chính bởi vì được độc lập tách biệt, những SBU này có thể thích nghi, đáp ứng và thay đổi với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường ngày nay.
Doanh nghiệp chính (còn được gọi là công ty mẹ) chịu trách nhiệm về việc đưa ra các chiến lược tổng thể, quản lý từng SBU của mình thông qua kiểm tra chiến lược và các báo cáo chỉ số tài chính. Điểm quan trọng là công ty mẹ có nhiệm vụ chính là hoạch định chiến lược, chứ không phải kiểm tra, kiểm soát. Càng ít sự kiểm tra và tương tác qua lại giữa công ty mẹ và các SBU, thì bản thân các SBU này có thể phản ứng nhanh hơn với sự thay đổi của môi trường kinh doanh.
Tại sao doanh nghiệp cần phải phân ra thành các SBU khác nhau?
- Đảm bảo mỗi sản phẩm, dòng sản phẩm sẽ được tập trung cao hơn. Những sản phẩm này sẽ được phát triển, sản xuất, marketing, quản lý như một công ty độc lập.
- Một công ty sẽ có nhiều loại sản phẩm khác nhau, việc tạo ra thành từng SBU nhỏ hơn sẽ giúp doanh nghiệp tăng mức độ quan tâm hơn đối với từng sản phẩm (thay vì chỉ quan tâm những sản phẩm hiện tại đang đem lại kết quả doanh số, lợi nhuận tốt).
- Giúp doanh nghiệp có thể hiểu sâu hơn về từng thị trường riêng biệt, từ đó giúp các nhà quản trị có thể đưa ra những quyết định chính xác hơn.
- Công ty mẹ sẽ có cái nhìn tổng thể và đưa ra những chiến lược tốt hơn cho từng loại sản phẩm.
Đặc điểm của SBU
- Tự kiểm soát được những yếu tố cần thiết để hoạt động ổn định, ví dụ như sản xuất, marketing, nghiên cứu và phát triển, …
- Chịu trách nhiệm về doanh thu và lợi nhuận của mình.
- Thị trường, sản phẩm là duy nhất. Điều này có nghĩa, các SBU khác trong công ty không cạnh tranh khách hàng và thị trường với nhau. Vì vậy, công ty sẽ tránh được những trùng lặp và từ đó tối đa hoá lợi nhuận của mình).
Ưu và nhược điểm của SBU
Ưu điểm
- Phân cấp quyền hạn rõ ràng
- Các SBU giúp liên kết các bộ phận khác nhau của công ty, giúp phối hợp tốt hơn
- Giúp công ty mẹ xây dựng và quản lý chiến lược đơn giản hơn
- Giúp quá trình quản lý chi phí, sổ sách dễ dàng hơn
- Dễ dàng giám sát và kiểm tra
Nhược điểm
- Tăng chi phí hoạt động
- Sẽ có những khoảng cách giữa các SBU và công ty mẹ (làm giảm khả năng giao tiếp và tính linh hoạt)
- Có thể dẫn đến căng thẳng nội bộ