Đường xu hướng (trendline) là đường mà các nhà giao dịch vẽ trên biểu đồ, kết nối các đỉnh và đáy của giá lại với nhau. Từ đó, trendline sẽ cho thấy xu hướng chính hiện tại của giá và hình thành ý tưởng để giao dịch, dự đoán đường đi của giá trong tương lai.
Đường xu hướng (trendline) có ý nghĩa gì?
Đường xu hướng là một trong những công cụ quan trọng nhất được các chuyên gia phân tích kỹ thuật sử dụng. Thay vì việc xem xét các báo cáo tài chính, phân tích cơ bản, hiệu quả kinh doanh, … của doanh nghiệp, họ tìm kiếm xu hướng trong hành động giá. Đường trendline sẽ giúp những người phân tích kỹ thuật xác định được xu hướng hiện tại của thị trường. “Xu hướng là bạn – Trend is your friend”, xác định xu hướng là bước đầu tiên cần thực hiện để có thể giao dịch tốt trên thị trường.
Để tạo đường xu hướng, những người phân tích kỹ thuật cần có 2 điểm trên đồ thị. Đồ thị có nhiều khung thời gian khác nhau, có người sử dụng thời gian ngắn để phân tích, như 1 phút, 5 phút, 1 giờ, 4 giờ, … có người thích xem các khung thời gian dài hơn như hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng. Điều làm cho đường trendline trở nên hấp dẫn và được nhiều người sử dụng, là vì công cụ này được sử dụng với mục đích xác định xu hướng trong tất cả các khung thời gian khác nhau.
Cách vẽ trendline
Đường trendline là một đường thẳng giúp nhà giao dịch xác định được xu hướng hiện tại của giá, từ đó có thể phân tích và dự đoán hướng di chuyển của giá trong tương lai.
Quy tắc vẽ trendline là bạn cần tối thiểu 2 điểm. 2 điểm này cùng chung là đáy hoặc đỉnh. Đường trendline này sẽ đi qua thêm 1 điểm thứ 3 nữa, điểm này gọi là điểm xác nhận xu hướng.

Chúng ta có thể lấy đồ thị VNINDEX vào đến thời điểm cuối tháng 7/2021 làm ví dụ. Giá trị của VNINDEX giảm sâu từ tháng 3/2020, sau đó hồi phục và đi lên theo 1 đường trendline tăng giá cho đến hiện tại. Đồ thị cho thấy VNINDEX đã tạo 2 đáy vào tháng 3 và tháng 7 năm 2020, hình thành 1 đường trendline tăng giá. Sau đó VNINDEX tiếp tục chạm vào đường trendline này 1 lần nữa vào tháng 1 năm 2021, xác định xu hướng tăng được tiếp diễn.
Tuy vậy có 1 điểm chúng ta cần lưu ý, trendline không hẳn chỉ là 1 đường thẳng, đôi khi chúng ta phải xác định nó là 1 vùng. Ví dụ:

Như chúng ta có thể thấy ở hình trên, vòng tròn màu đỏ đã bật xuống dưới khỏi đường trendline đã hình thành từ trước. Nếu vào thời điểm này chúng ta vội vàng kết luận xu hướng tăng đã kết thúc, thì ta sẽ bỏ lỡ 1 con sóng tăng rất mạnh phía sau. Vì vậy, chúng ta cần xem xét thêm các yếu tố khác, như hành động giá, các chỉ báo kỹ thuật khác để giúp việc định hình xu hướng tăng đã kết thúc thật chưa, hay giá chỉ đơn thuần đang về lại “vùng” hỗ trợ.
Về cơ bản có 3 cách thông thường để vẽ trendline. Cả 3 cách này đều phải áp dụng quy tắc nối các đỉnh lại với nhau, nối các đáy lại với nhau.
a. Vẽ trendline bằng thân nến

b. Vẽ trendline bằng râu nến

Về cơ bản, 2 cách vẽ trên không khác biết nhiều, trừ trường hợp thị trường thường xuyên biến động mạnh, râu nến thường có độ dài lớn hơn. Theo kinh nghiệm bản thân tác giả, với những nhà giao dịch trung và dài hạn, thường xuyên theo dõi biểu đồ có khung thời gian 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng thì chúng ta nên sử dụng cách vẽ trendline bằng thân nến. Ngược lại, với các nhà giao dịch ngắn hạn, theo dõi biến động nhanh của thị trường trong 1 ngày, chúng ta nên sử dụng cách vẽ trendline bằng râu nến.
c. Vẽ trendline bằng line
Một cách vẽ khác đơn giản hơn là chúng ta không xem đồ thị bằng nến Nhật nữa mà thay bằng Line.

Tính chất của đường trendline
Nếu trendline là đường thẳng nối các đáy lại, giá sẽ nằm trên phía trên đường trendline. Lúc này, trendline sẽ đóng vai trò làm đường hỗ trợ cho giá.
Ngược lại, nếu trendline là đường thẳng nối các đỉnh, giá sẽ nằm phía dưới đường trendline này. Đường xu hướng sẽ làm đường kháng cự cho giá.
Tuy vậy, theo tính chất của đường hỗ trợ và kháng cự, một khi giá đã phá vỡ 2 đường này, tính chất sẽ thay đổi. Ví dụ, giá vượt lên hơn đường trendline kháng cự, thì trendline cũ sẽ đổi vai trò thành đường hỗ trợ trong tương lai, và ngược lại.