Kim Tứ Đồ Robert Kiyosaki11 phút đọc

Kim tứ đồ Robert Kiyosaki

Kim tứ đồ là gì?

Kim tứ đồ là một mô hình trong bộ sách bán chạy nhất “Cha giàu, cha nghèo” (Rich Dad, Poor Dad) của Robert Kiyosaki. Ông tin rằng mọi cá nhân đều có cơ hội như nhau để thay đổi cuộc sống, có thể quản lý tài chính cá nhân trong tương lai và trở nên giàu có như mọi người mong muốn. Trong cuốn sách, Roberth Kiyosaki đã giới thiệu mô hình Kim tứ đồ, một biểu đồ minh hoạ những cách thức khác nhau mà con người có thể kiếm thu nhập từ việc làm như nhân viên, bác sỹ, giám đốc, thậm chí là chủ doanh nghiệp. Theo đó, ông chia các công việc thành 4 góc khác nhau:

  • Employee: Nhóm người làm công ăn lương
  • Self Employed: Nhóm người tự kinh doanh, tự làm chủ hoặc có doanh nghiệp cho riêng mình
  • Business Owner: Nhóm người làm chủ doanh nghiệp lớn
  • Investor: Nhóm người là nhà đầu tư
Kim tứ đồ Robert Kiyosaki
Kim tứ đồ Robert Kiyosaki

Robert Kiyosaki sau đó phân loại 4 góc này thành 2 phần: Phần bên trái bao gồm nhóm E và nhóm S là những nhân viên và những người kinh doanh tự do, phần bên phải bao gồm nhóm B và I là những chủ doanh nghiệp và những nhà đầu tư.

  • Nhóm E và S: Nếu nhóm người này làm việc, họ sẽ kiếm được tiền. Tuy vậy nếu trong trường hợp ngược lại, họ không làm việc thì thu nhập của họ cũng sẽ biến mất. Vì vậy 2 nhóm người này buộc phải làm việc mãi mãi, không được dừng lại, nếu dừng lại đồng nghĩa thu nhập cũng sẽ dừng lại theo. Nếu trong cuộc sống có những biến cố như tai nạn, bệnh tật, bị sa thải, phá sản, … thì đây thật sự là thảm hoạ đối với những người thuộc 2 nhóm này.
  • Nhóm B và I: Những người thuộc 2 nhóm B và I sẽ không vội vàng kiếm tiền, mà họ xây dựng tài sản của họ trước. Sau khi họ xây dựng được một lượng tài sản vững chắc, thu nhập thụ động sẽ đến với họ, nghĩa là những người này sẽ tự do về tiền bạc, thời gian và tài chính. Vì vậy, họ sẽ có thời gian để nghỉ ngơi, đi du lịch, tận hưởng cuộc sống. Nếu như có những rủi ro, không như nhóm E và S, trái lại những người này có thể lường trước được và có những phương án dự phòng mà không cần bận tâm về khía cạnh tài chính.

Theo Robert Kiyosaki, tự do tài chính chính là những người thuộc 2 nhóm B và I. Bởi vì những người này có khả năng tạo ra những khoản thu nhập thụ động để giải quyết các vấn đề kinh tế trong cuộc sống.

Nhóm người E (Employee)

Nhóm người E là nhóm người hiện đang làm nhân viên, làm công ăn lương cho người khác, từ vị trí cấp thấp đến cấp cao trong các doanh nghiệp, tổ chức. Họ có thu nhập ổn định, lương cố định hàng tháng. Những người này thích có công việc đảm bảo và sự ổn định về mặt kinh tế, sợ rủi ro và không mong đợi những biến cố có thể xảy ra với mình. Tuy vậy, nếu những người này vì lí do gì đó không tiếp tục làm việc nữa, thì thu nhập cũng sẽ không còn. Vì vậy đòi hỏi họ phải siêng năng và làm việc liên tục.

Nhóm người S (Self Employed)

Nhóm tiếp theo là những người tự kinh doanh, có doanh nghiệp riêng của họ. Tuy vậy quy mô doanh nghiệp này vẫn còn nhỏ, vẫn còn phải dành rất nhiều thời gian tập trung cho công việc. Những người này thích tự do ngôn luận, cố gắng tự làm mọi việc theo cách của họ, có tính cách khá cầu toàn. Chính vì vậy, họ thường không muốn giao công việc cho người khác, mà muốn chính bản thân họ phải giải quyết tất cả mọi chuyện.

Nhóm người B (Business Owner)

Nhóm người B là những người chủ sở hữu doanh nghiệp lớn với hơn 500 nhân viên. Là một chủ doanh nghiệp lớn, những người này có một hệ thống công ty vẫn có thể hoạt động dù cho không có sự hiện diện của họ. Hệ thống này tập hợp nhiều nhân viên (đặc biệt là người nhóm E) tạo thành một công ty vững chắc, hoạt động để đạt được các mục tiêu chung của doanh nghiệp. Từ đó, những người nhóm B cho dù có làm việc hay không, họ vẫn sẽ kiếm tiền và có thời gian để làm những việc cá nhân khác, đây được gọi là thu nhập thụ động.

Nhóm người I (Investor)

Những người nhóm I là những người đầu tư số tiền của họ vào hệ thống của một công ty và sau đó kiếm được lợi nhuận từ kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Những người này có thu nhập thụ động để đồng tiền tiếp tục làm việc cho họ, chứ không phải họ làm việc vì tiền. Nhóm người I có đặc điểm chính là đã có sự tự do trong cuộc sống, có thể là tự do tài chính, tự do thời gian, … Nhiều người cho rằng nhóm người I chính là những người đầu tư chứng khoán, trái phiếu, … Tuy vậy, để đạt được sự thành công nhất định, chúng ta phải cần có những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm phong phú để hiểu rõ về những khoản đầu tư của mình.

Tự do tài chính và IQ Tài chính

Theo Roberth Kiyosaki, để có được tự do tài chính, chúng ta chỉ có 2 cách làm:

  • Trở thành người thuộc nhóm B hoặc I
  • Cần phải có IQ Tài chính (trí thông mình tài chính)

Cũng theo tác giả, có 5 loại IQ Tài chính mà chúng ta nên có, trong đó bao gồm:

Kiếm nhiều tiền hơn

Chúng ta càng kiếm được nhiều tiền, chỉ số IQ Tài chính của chúng ta càng cao. Một người kiếm được 10 triệu trong 1 tháng sẽ có chỉ số IQ Tài chính cao hơn những người chỉ kiếm được 5 triệu 1 tháng. Tuy vậy, chúng ta không nên nghĩ đây chính là tiền lương mỗi tháng chúng ta nhận được, mà chính là số tiền cuối cùng chúng ta còn lại sau khi trừ đi các khoản chi tiêu. Như vậy để thu nhập của chúng ta tăng lên, một là chúng ta gia tăng tiền lương của chúng ta (có thể là cố gắng thăng tiến, làm nhiều công việc, đầu tư, …), hai là chúng ta chi tiêu tiết kiệm lại.

Bảo vệ tiền của chúng ta

Trong xã hội ngày nay, nhiều người sẽ dòm ngó và muốn lấy đi tiền của chúng ta. Người nào có thể bảo vệ được túi tiền nhiều hơn, người đó sẽ có IQ Tài chính cao hơn. Một ví dụ tiêu biểu của việc bảo vệ tiền là tránh xa những hành vi tiêu dùng và lối sống không phù hợp với thu nhập hiện tại.

Lập ngân sách chi tiêu – thu nhập

Việc lập ngân sách chi tiêu và thu nhập giúp chúng ta kiểm soát, đánh giá được tình hình tài chính hiện tại. Từ đó chúng ta sẽ cải thiện được 2 loại IQ Tài chính ở trên là chúng ta sẽ kiếm nhiều tiền hơn, đồng thời có thể bảo vệ được túi tiền. Điểm cốt lõi của tự do tài chính là chúng ta phải cố gắng xây dựng nhiều nguồn thu nhập khác nhau, vì vậy hãy lập những kế hoạch đầu tư, kế hoạch tài chính, chi tiêu của mình một cách rõ ràng và chi tiết.

Đầu tư

Sau khi lập ngân sách chi tiêu – thu nhập, chúng ta sẽ có những khoản tiết kiệm, những đồng tiền dư ra sau khi trừ hết các khoản chi phí cần thiết, tiếp theo chúng ta cần phải đầu tư. Chỉ số IQ Tài chính này thường được đo lường bằng lợi tức đầu tư – một người có thể kiếm được 15% số tiền của họ sẽ có chỉ số IQ Tài chính cao hơn người chỉ kiếm được 5-10%, hoặc thậm chí không kiếm được gì từ tiền nhàn rỗi của họ.

Nâng cao kiến thức tài chính

“Học, học nữa, học mãi”, không chỉ có tài sản, tiền bạc mới khiến chúng ta giàu có, kiến thức và kinh nghiệm cũng rất quan trọng để đạt được những mục đích trong cuộc sống. Vì vậy, chúng ta phải thường xuyên nâng cao kiến thức, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính.

Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời kinhtequantri một ly cà phê nhé!

By admin
0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
%d bloggers like this: