Lắng nghe là một trong những kỹ năng quan trọng nhất của chúng ta khi giao tiếp. Khả năng lắng nghe sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và các mối quan hệ xung quanh chúng ta.
Trong nghiên cứu về kim tự tháp học tập (Cone of Experimence) của mình, tác giả Edgar Dale đã cho thấy rằng chúng ta chỉ có thể nhớ từ 25% đến 50% những gì chúng ta nghe được. Điều này có nghĩa là khi chúng ta nói chuyện, giao tiếp với một ai đó, họ chỉ chú ý chưa đến một nửa nội dung cuộc trò chuyện. Ngược lại, chúng ta cũng vậy, chỉ nhớ khoảng 25% đến 50% cuộc trò chuyện, liệu có cách nào giúp chúng ta gia tăng hiệu quả hơn trong việc lắng nghe và ghi nhớ các cuộc giao tiếp thường ngày hay không? Như vậy chúng ta sẽ tránh được những hiểu lầm không đáng có, những xung đột thường xuyên xảy ra, tất cả những điều này đều cần thiết cho sự thành công của chúng ta.
Lắng nghe chủ động là gì?
Lắng nghe chủ động hay lắng nghe tích cực (Active Listening) là cách thức để cải thiện kỹ năng lắng nghe của chúng ta. Phương thức này sẽ giúp mọi người có thể nghe được toàn bộ thông điệp được người đối diện truyền đạt một cách dễ dàng hơn. Để làm được điều này, đầu tiên chúng ta phải nhớ rõ khi giao tiếp, phải chú ý đến người đối diện rất cẩn thận, không cho phép bản thân bị phân tâm bởi các yếu tố xung quanh, từ đó dẫn đến sự mất tập trung và đôi lúc có thể khiến cuộc giao tiếp trở nên buồn chán.
Nếu chúng ta cảm thấy khó tập trung vào lời nói của người khác, có một mẹo nhỏ là ta thử lặp lại lời nói của họ trong tâm trí. Điều này sẽ giúp chúng ta tập trung hơn, nghĩ nhiều về lời nói của họ nhiều hơn.
Một số nét đặc trưng của việc lắng nghe chủ động:
- Trung lập, không phán xét lời nói
- Kiên nhẫn
- Phản hồi lại người đối diện bằng cả lời nói và ngôn ngữ cơ thể (điều này thể hiện chúng ta đang thật sự lắng nghe, ví dụ như mỉm cười, gật đầu, giao tiếp bằng mắt, …)
- Hỏi lại những câu hỏi
- Nhớ lại được những gì đã nói
- Yêu cầu làm rõ vấn đề nếu chưa hiểu rõ
- Tổng kết được cuộc giao tiếp
Lợi ích của việc lắng nghe chủ động:
- Cải thiện các mối quan hệ hiện tại
- Gia tăng hiệu quả công việc
- Giao tiếp với xã hội tốt hơn
Để trở thành người lắng nghe chủ động tốt hơn
Hiện nay có rất nhiều phương pháp và kỹ thuật khác nhau để giúp chúng ta cải thiện việc lắng nghe hiệu quả hơn. Sau đây là 5 kỹ thuật thường thấy.
Tập trung, chú ý vào cuộc đối thoại
Tập trung vào người đối diện, chú ý vào cuộc đối thoại. Trong kỹ thuật này, chúng ta cần lưu ý nhiều đến ngôn ngữ cơ thể của cả 2 bên.
- Nhìn thẳng vào người đối diện
- Không suy nghĩ lung tung các vấn đề khác
- Không nên có nhiều suy nghĩ phản biện lại lời nói của người khác, việc này cũng sẽ khiến chúng ta phân tâm hơn
- Tránh bị phân tâm bởi các yếu tố bên ngoài
- Đặc biệt, lắng nghe ngôn ngữ cơ thể của người đối diện
Thể hiện rằng chúng ta đang lắng nghe
Không chỉ lắng nghe ngôn ngữ cơ thể của người đối diện, chúng ta cũng phải thể hiện ra ta đang thực sự lắng nghe.
- Thỉnh thoảng gật đầu
- Mỉm cười, sử dụng các biểu hiện trên khuôn mặt
- Tư thế đứng, ngồi thoải mái và cởi mở, tỏ ra thích thú với cuộc giao tiếp
- Khuyến khích người đối diện tiếp tục câu chuyện. Ví dụ gật đầu, “uh huh”, “đúng vậy”, …
Phản hồi lại người đối diện
Những thành kiến cá nhân, giả định, phán đoán của chúng ta có thể đôi lúc làm sai lệch, hiểu nhầm về những gì chúng ta nghe được. Điều này là không nên, chúng ta phải hiểu được những gì người đối diện đang nói. Nếu có bất cứ một vấn đề nào chưa hiểu rõ, thì phải phản hồi và đặt câu hỏi lại ngay.
- Suy ngẫm, xác nhận lại những gì chúng ta hiểu có chính xác hay không. “Có phải ý của Anh/Chị là …”, “Theo tôi hiểu Anh/Chị đang nói là … phải không ạ?”, … đây là những câu hỏi thường dùng để xác nhận lại thông tin
- Thường xuyên tổng hợp lại ý kiến, nội dung của cuộc giao tiếp theo một khoảng thời gian nhất định. Điều này sẽ giúp chúng ta tổng hợp lại, kết nối các thông tin lại với nhau để xem chúng ta có bỏ sót hay chưa hiểu rõ vấn đề nào hay không.
Không ngắt lời người khác
Tuyệt đối không nên làm gián đoạn cuộc giao tiếp, ngắt lời người khác, điều này sẽ làm người đối diện khó chịu và gây cản trở quá trình lắng nghe chủ động.
- Để cho người đối diện nói hết câu, hết ý kiến trước khi đặt câu hỏi hoặc phản hồi lại
- Không ngắt lời người khác bằng những phản bác, phản đối.
Trả lời thích hợp
Một yếu tố rất quan trọng là chúng ta phải tôn trọng người đối diện.
- Thẳng thắn, cởi mở và trung thực trong câu nói, câu trả lời của chúng ta
- Trình bày ý kiến của mình bằng thái độ tôn trọng người đối diện
- Đối xử với người khác theo cách chúng ta nghĩ rằng họ muốn được đối xử như thế nào.