Lehman Brothers Inc là một công ty tài chính, giao dịch với chính phủ, các công ty và tổ chức tài chính khác. Hoạt động kinh doanh chính của Lehman Brothers bao gồm mua bán cổ phiếu và tài sản cố định, kinh doanh và nghiên cứu, ngân hàng đầu tư, quản lý đầu tư và quỹ đầu tư tư nhân.
Vào tháng 9 năm 2008, Lehman Brothers đệ đơn xin bảo hộ phá sản. Vào lúc này, tổng tài sản của công ty có trị giá 639 tỷ đô la, trong khi đó lại có khoản nợ trị giá 619 tỷ đô la, đây được xem là vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử. Theo đó, công ty đang quản lý 25.000 nhân viên trên toàn thế giới (số lượng nhân viên tại Hoa Kỳ là 5.000 người), là ngân hàng tài chính lớn thứ tư của Hoa Kỳ vào thời điểm phá sản. Vào thời gian này, ngành tài chính toàn cầu rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế, Lehman Brothers cũng trở thành nạn nhân chịu thiệt hại lớn nhất của thảm họa trong việc vay thế chấp dưới chuẩn.
Tổng quát về Lehman Brothers
Năm 1844, Henry Lehman, 23 tuổi, con trai của một thương gia buôn gia súc nhập cư vào Hoa Kỳ từ Rimpar, Bavaria. Anh lập gia đình ở Montgomery, Alabama, nơi anh mở một cửa hàng bán đồ khô. Năm 1847, với sự xuất hiện của anh trai ông – Emanuel Lehman, họ đã thành lập công ty “H. Lehman và Bro.”. Sau đó vào năm 1850, với sự xuất hiện của người em trai út của họ, Mayer Lehman, công ty đổi tên thành “Lehman Brothers”.
Ba anh em đã mở rộng cửa hàng bán đồ khô của mình thành một cơ sở kinh doanh bông cotton sau khi nhận thấy tiềm năng của loại bông cotton này có, thậm chí họ chấp nhận xem bông cotton là một khoản thanh toán cho các sản phẩm khác trong cửa hàng của họ. Kinh doanh bông trở thành một phần quan trọng trong công việc kinh doanh, cuối cùng họ chuyển đến New York. Ở đó Lehman trở thành thành viên của Sở giao dịch cà phê và sau đó là Sở giao dịch chứng khoán New York vào năm 1887. Năm 1899, Lehman Brothers thực hiện đợt IPO đầu tiên dưới sự bảo lãnh của International Steam Pump Company.
Sau đó, công ty đã đi từ sức mạnh này sang sức mạnh khác, bảo lãnh cho nhiều công ty và trở thành một cường quốc trong ngành tài chính, thịnh vượng. Lehman Brothers thậm chí còn tăng trưởng rất tốt trong các cuộc chiến tranh thế giới, nội chiến và cuộc đại suy thoái. Tuy vậy, vào năm 2008, sự sụp đổ của thị trường bất động sản ở Mỹ đã xảy ra, lúc này Lehman Brothers vì sự tham lam, mong muốn kiếm lợi nhuận cao đã khiến cho họ đưa ra những quyết định đầu tư sai lầm. Cụ thể nhất là đầu tư vào thị trường thế chấp dưới chuẩn, đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho công ty phải đi đến sụp đổ.
Thế chấp dưới chuẩn
Thế chấp dưới chuẩn là các khoản cho vay dành cho những khách hàng có điểm tín dụng thấp, không được cho vay. Các khoản vay này thường có lãi suất cao hơn do rủi ro cao hơn. Có nhiều loại thế chấp dưới chuẩn, phổ biến nhất là thế chấp lãi suất có thể điều chỉnh (Adjustable Rate Mortgage – ARM), thời gian ban đầu sẽ tính lãi suất cố định, sau đó chuyển sang lãi suất thả nổi cộng với một khoản ký quỹ. Ban đầu lãi suất thấp, các khoản lãi được đảm bảo, tuy vậy khi đến giai đoạn lãi suất thả nổi, người đi vay phải trả khoản tiền khá nhiều so với trước đó. Nhiều người tại Mỹ vào những năm 2007-2008 không thể trả các khoản thanh toán, dẫn đến tình trạng vỡ nợ.
Trong thời kỳ phát triển của mình, Lehman đã kinh doanh rất tốt và quyết định đầu tư vào lĩnh vực cho vay thế chấp bằng cách mua lại năm công ty cho vay thế chấp, trong đó phải kể đến BNC Mortgage và Aurora Loan, chuyên về các khoản cho vay Alt-A. Những người đi vay Alt-A có lịch sử tín dụng rõ ràng nhưng có những mặt hạn chế, vì vậy vẫn mang tính rủi ro cao (tuy vậy vẫn có sự đảm bảo hơn so với những người dưới chuẩn). Những người đi vay này rất hấp dẫn đối với các công ty cho vay vì họ có thể đảm bảo trả được khoản lãi suất cao hơn so với các khoản vay chính thông thường, ít rủi ro hơn những người đi vay dưới chuẩn.
Thành công của Lehman Brothers
Việc mua lại các công ty cho vay thế chấp này ban đầu đã giúp cho Lehman Brothers đạt được sự thành công nhất định: doanh thu kỷ lục từ các hoạt động kinh doanh bất động sản giúp doanh thu tổng thể tăng 56% (từ năm 2004 đến năm 2006), một tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư hoặc quản lý tài sản. Công ty đã chứng khoán hóa 146 tỷ đô la thế chấp vào năm 2006, tăng 10% so với năm 2005. Lehman báo cáo lợi nhuận kỷ lục hàng năm từ 2005 đến 2007. Năm 2007, công ty báo cáo thu nhập ròng kỷ lục 4,2 tỷ đô la trên doanh thu 19,3 tỷ đô la.
Lehman Brothers vẫn đang tiếp tục phát triển và vào tháng 2 năm 2007, cổ phiếu đạt mức kỷ lục 86,18 USD, tức là Lehman có giá trị vốn hóa thị trường gần 60 tỷ USD. Điều này che đậy vấn đề thực sự là vào quý 1 năm 2007, các khoản nợ thế chấp dưới chuẩn đã tăng lên mức cao nhất trong bảy năm. Các nhà đầu tư bắt đầu lo ngại rằng các khoản vỡ nợ tăng cao sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của Lehman, nhưng công ty đã báo cáo doanh thu và lợi nhuận kỷ lục trong quý tài chính đầu tiên của mình. Những lo ngại này khiến giám đốc tài chính (CFO) của Lehman nhấn mạnh rằng những rủi ro do gia tăng đã được kiểm soát tốt và sẽ ít ảnh hưởng đến thu nhập của công ty. Ông cũng nói rằng ông không lường trước được các vấn đề trên thị trường dưới chuẩn lan sang phần còn lại của thị trường nhà ở hoặc làm tổn hại đến nền kinh tế Mỹ. Tuyên bố này cho thấy công ty đã trở nên liều lĩnh, với triển vọng lợi nhuận cao hơn và giữ cho các nhà đầu tư hài lòng là mục tiêu chính của họ. Và miễn là lợi nhuận vẫn còn tốt, chiến lược vẫn sẽ được giữ nguyên.
Sập đổ
Năm tháng sau khi giám đốc tài chính của Lehmans Brothers đảm bảo rằng công ty sẽ không bị ảnh hưởng và an toàn trước các vấn đề về nhà ở, thì các rủi ro bắt đầu xuất hiện. Cổ phiếu của Lehman giảm mạnh do 2 trong số các quỹ đầu cơ Bear Stearns thất bại, điều này khiến họ phải đóng cửa công ty con BNC, cắt bớt 2500 nhân sự, đồng thời đóng cửa một số văn phòng Aurora. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy họ đang cắt giảm danh mục thế chấp của mình. Lúc này, giá cổ phiếu của Lehman Brothers tăng trở lại, nhà đầu tư dần bình tĩnh hơn với thị trường. Đây là cơ hội để Lehman Brothers cắt giảm danh mục đầu tư khổng lồ của họ và giải phóng vốn để phòng trường hợp thị trường thế chấp gặp vấn đề. Họ có thể đầu tư vào các lĩnh vực khác, tuy vậy Lehman Brothers vẫn giữ danh mục đầu tư của mình, thậm chí đầu tư nhiều hơn vào thị trường thế chấp nhiều hơn nữa.
Tỷ lệ đòn bẩy của Lehman Brothers vào năm 2007 lên đến mức cao nhất là 31. Cùng với danh mục thế chấp khổng lồ của mình, khiến cho công ty ngày càng dễ bị tác động trước bất kỳ sự thay đổi nào trên thị trường. Vào tháng 3 năm 2008, Bear Stearns tiếp tục khó khăn, niềm tin vào Lehman ngày càng mất dần, dẫn đến giá cổ phiếu giảm hơn 40%. Mặc dù công ty đã cố gắng nâng cao niềm tin bằng cách huy động 4 tỷ đô la nhưng các nhà đầu tư ngày càng lo lắng về quy mô danh mục đầu tư rủi ro cao của công ty.
Vào tháng 6, Lehman đã ghi nhận khoản lỗ trong quý thứ hai là 3 tỷ đô la, nhưng họ đã cố gắng giữ được niềm tin ở mức cao bằng cách huy động 6 tỷ đô la thông qua các nhà đầu tư. Lúc này tổng thanh khoản đã tăng lên ước tính 45 tỷ đô la, giảm tổng tài sản xuống 147 tỷ đô la, giảm tỷ lệ vay thế chấp nhà ở và thương mại xuống 20%, đồng thời giảm tỷ lệ đòn bẩy từ hệ số 32 xuống còn khoảng 25.
Tuy nhiên, các biện pháp này được cho là quá ít và quá muộn. Vào ngày 22/08/2008, cổ phiếu của Lehman đóng cửa tăng 5% (tăng 16% trong tuần đấy), do có thông tin cho rằng Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (Korea Development Bank) đang xem xét mua lại ngân hàng này. Tuy vậy Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc làm hài lòng các cơ quan quản lý và thu hút các đối tác. Vào ngày 09/09/2008, cổ phiếu của Lehman đã giảm 45% xuống còn 7,79 USD.
Điều này khiến cho quỹ đầu cơ của công ty rút vốn ra ngoài, trong khi các chủ nợ ngắn hạn của công ty cắt hạn mức tín dụng. Vào ngày 10/09, Lehman đã sớm công bố kết quả tài chính quý III gây sốc, làm nổi bật tình trạng tài chính yếu kém của công ty. Công ty đã báo cáo khoản lỗ 3,9 tỷ đô la, bao gồm cả khoản xóa sổ 5,6 tỷ đô la. Chưa hết, Moody’s Investor Service đã giáng cho công ty một đòn khác khi thông báo rằng họ đang xem xét xếp hạng tín dụng của Lehman, và cũng nói rằng Lehman sẽ phải bán phần lớn cổ phần cho đối tác chiến lược để tránh bị hạ xếp hạng. Những diễn biến này đã khiến cổ phiếu sụt giảm 42% vào ngày 11/09.
Với 1 tỷ USD tài sản thanh lý còn lại, Lehman đã đi vào bế tắc. Những nỗ lực cuối cùng vào ngày 13/09 giữa Lehman, Barclays PLC và Bank of America, nhằm tìm cách tiếp quản Lehman, đã không thành công. Vào thứ Hai, ngày 15/09, Lehman tuyên bố phá sản, dẫn đến việc cổ phiếu giảm 93% so với mức đóng cửa trước đó vào ngày 12/09.
Những lý do đằng sau vụ phá sản của Lehman Brothers
Có rất nhiều lý do khiến cho Lehman Brothers sụp đổ, yếu tố quan trọng nhất phải kể đến có lẽ là thời kỳ bãi bỏ một số quy định trước cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 xảy ra.
Cuộc khủng hoảng kinh tế 2008
Thời kỳ bãi bỏ quy định bắt đầu vào Kỷ nguyên Reagan – Reaganomics. Vào thời gian này, cựu tổng thống Reagan ủng hộ một số chính sách kinh tế công bằng, đây có lẽ là điểm khởi đầu cho môi trường phi pháp luật kéo dài trong 2 thập kỷ sau đó.
Tiếp đó, năm 1999, Tổng thống Clinton đã ký đạo luật Hiện đại hoá dịch vụ tài chính Gramm-Leach-Bliley. Đạo luật này đã bãi bỏ một số phần của Đạo luật Glass-Steagall (đạo luật ngân hàng năm 1933). Theo đó, đạo luật Glass-Steagall cấm các ngân hàng đa năng (Universal Banking) được hoạt động (Ngân hàng đa năng – Universal Banking có nghĩa là một tổ chức có thể vừa hoạt động như ngân hàng đầu tư, ngân hàng thương mại và bảo hiểm). Với việc bãi bỏ đạo luật Glass-Steagall, đồng nghĩa với việc cho phép các công ty tài chính trung gian (bao gồm Lehman Brothers) có thể có những hoạt động có hại. Ví dụ: Các ngân hàng, tổ chức tài chính có thể chứng khoán hoá các tài sản thế chấp (Mortgage-backed Securities – MBS), hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (Credit Default Swap – CDS), … Nếu không có việc bãi bỏ đạo luật Glass-Steagall, các ngân hàng sẽ bị cấm tham gia vào hầu hết các hoạt động tài chính này. Đây chính là những hoạt động tài chính gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008.
Song song đó vẫn còn nhiều yếu tố góp phần vào cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 như cho vay dưới chuẩn, các công cụ tài chính và bong bóng bất động sản, … Như vậy, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới này đã khiến cho Lehman Brothers phải chịu nhiều tác động. Không những vậy, còn có 2 lý do kết hợp khác.
Chính phủ từ chối cứu trợ Lehman Brothers
Trước khi Lehman Brothers tuyên bố phá sản, chính phủ Mỹ đã cứu trợ tập đoàn bảo hiểm Mỹ (AIG) và Bear Sterns, 2 công ty cũng trong hoàn cảnh tương tự giống với Lehman Brothers. Tuy vậy Lehman Brothers thì không được cứu trợ như vậy.
Theo Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson và Chủ tịch Cục Dự Trữ Liên bang FED (Ben Bernanke), chính phủ lúc bấy giờ không thể cứu trợ Lehman Brothers vì 2 lý do:
- Chính phủ thiếu thẩm quyền pháp lý để có thể can thiệp
- Lehman Brothers không đủ vốn
Tuy vậy sau này xuất hiện nhiều giả thuyết cho rằng chính phủ Mỹ đã không cứu Lehman Brothers nhằm “dạy” cho những người tham gia thị trường tài chính một bài học. Tuy vậy giả thuyết này về sau đã bị Ben Bernanke lên tiếng bác bỏ.
Không có nhà đầu tư tiềm năng có thể mua lại
Bank of America và Barclays Capital đều là 2 tổ chức tiềm năng có thể mua lại và cứu giúp Lehman Brothers. Tuy vậy không nhận được sự hỗ trợ và hậu thuẫn của chính phủ, cả 2 công ty đều bỏ cuộc trong việc mua lại.
Ngày 16/09/2008, một ngày sau khi Lehman Brothers đệ đơn phá sản, tổ chức Barclays đã ký một thoả thuận để mua lại một số bộ phận của Lehman. Thoả thuận được tiếp diễn, sửa đổi trong những ngày sau đó, cuối cùng Barclays đã mua lại toà nhà chọc trời trị giá 960 triệu USD ở Midtown Manhatta, 10.000 nhân viên với giá 1,35 tỷ USD.
Vào ngày 22/09/2008, Nomura Holdings Inc. đã mua lại quyền kinh doanh của Lehman Brothers tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, trong đó bao gồm nhiều văn phòng, địa điểm và 3.000 nhân viên.
Có thể nói cuộc khủng hoảng kinh tế, cụ thể hơn là cuộc khủng hoảng thế chấp đóng một vai trò quan trọng trong sự sụp đổ của Lehman Brothers. Lehman là người chơi chính trong lĩnh vực cho vay dưới chuẩn. Lehman là người đi đầu trong cả cho vay thế chấp và chứng khoán hóa các khoản vay thế chấp. Cho vay dưới chuẩn và chứng khoán hóa chiếm một phần lớn doanh thu ngày càng tăng của Lehman.
Khi tỷ lệ vỡ nợ thế chấp bắt đầu tăng, nhu cầu về MBS giảm xuống. Lehman bị mắc kẹt với hàng tỷ đô la tài sản “độc hại” trên bảng cân đối kế toán của mình. Lehman cuối cùng đã đóng cửa các hoạt động cho vay thế chấp của mình. Do nắm giữ các vị trí lớn trong các khoản thế chấp dưới chuẩn và các khoản thế chấp được đánh giá thấp hơn khác, Lehman đã phải đối mặt với những tổn thất đáng kể. Đến năm 2007, tỷ lệ đòn bẩy của Lehman (đo lường rủi ro) cũng tăng lên rất nhiều lên 31: 1 khiến họ rơi vào tình thế rất dễ bị tổn thương vì vốn hóa quá mỏng so với mức đòn bẩy được sử dụng.
Thị trường tài chính bị ảnh hưởng như thế nào khi Lehman Brothers phá sản
Việc Lehman Brothers đệ đơn phá sản vào ngày 15/09/2008 đã khiến DJIA giảm hơn 500 điểm (-4,4%). Đây cùng là ngày giảm mạnh nhất kể từ khi thị trường mở cửa trở lại sau ngày 11/09/2001. DJIA cuối cùng đã mất thêm 43% giá trị, các chỉ số thị trường chứng khoán thế giới cũng chịu chung số phận. Chỉ số FTSE All-World Index cuối cùng đã mất 2400 điểm (44% giá trị).
Sau khi Lehman Brothers đệ đơn phá sản, để giải quyết cuộc khủng hoảng ngày càng leo thang, chính phủ đã thành lập Chương trình Cứu trợ Tài sản Rắc rối (Troubles Assets Relief Program – TARP). TARP được thiết kế để mua cả tài sản và vốn chủ sở hữu từ các trung gian tài chính (Financial Intermediaries – FI). Chương trình này được thành lập với 3 mục đích:
- Bằng cách mua tài sản, chính phủ hy vọng loại bỏ tài sản “độc hại” khỏi bảng cân đối kế toán của các ngân hàng.
- Bằng cách tăng vị thế vốn chủ sở hữu, TARP đã tái cấp vốn cho các ngân hàng gặp khó khăn.
- TARP cũng khuyến khích hoạt động cho vay liên ngân hàng.