Mô hình DISC21 phút đọc

Mô hình DISC

Trong cuộc sống chúng ta thường xuyên phải giao tiếp, làm việc nhóm với nhau. Tuy vậy đôi khi chúng ta lại cảm thấy khó giao tiếp hoặc làm việc chung với một số người. Nhưng vì lợi ích của cả nhóm hoặc của tổ chức, chúng ta cần phải dung hoà các mối quan hệ để cho công việc được hiệu quả hơn. Có nhiều cách thức để làm được điều này, trong đó việc tìm hiểu về tính cách của chính bản thân chúng ta và mọi người xung quanh là một cách thức để việc giao tiếp và làm việc chung với nhau đạt hiệu quả hơn.

Có thể nói tâm lý, tính cách, hành vi của con người đã được nghiên cứu từ lâu. Trong đó mô hình DISC được nhà tâm lý học William Moulton Marston giới thiệu vào năm 1920. Đây là mô hình phổ biến, đơn giản và tương đối dễ dàng để xem xét đánh giá hành vi và sở thích của mọi người.

Mô hình DISC là gì?

Mô hình DISC phân chia hành vi của con người thành 4 loại:

  • Dominance: Sự thống trị
  • Influence: Sự ảnh hưởng
  • Steadiness: Sự kiên định
  • Compliance: Sự tuân thủ

Việc phân chia hành vi của con người theo 4 loại trên được xem xét dựa trên 2  yếu tố:

  • Hướng về công việc hay hướng về con người
  • Chủ động hay bị động

Sau khi xem xét 2 yếu tố trên thì mỗi người sẽ nhận biết được chúng ta thuộc nhóm nào, được thể hiện trong từng ô vuông bên dưới.

Mô hình DISC
Mô hình DISC

Lợi ích của mô hình DISC

Chúng ta có thể sử dụng mô hình DISC để giúp xây dựng nhóm, tuyển dụng, cải thiện hiệu suất, giải quyết xung đột, … Một vài lợi ích của mô hình có thể kể đến như:

  • Sẽ có nhiều thời gian và hiệu quả công việc hơn: Khi các nhóm không hiểu ý nhau, hoạt động không hiệu quả, sẽ rất mất thời gian để giải quyết xung đột, đồng thời làm giảm hiệu suất. Chúng ta có thể dành nhiều thời gian hơn nếu các thành viên trong nhóm biết cách làm việc với nhau tốt hơn.
  • Các thành viên trong nhóm sẽ có vai trò thích hợp: Đôi lúc mọi người trong nhóm sẽ cảm thấy không hài lòng vì họ chưa cảm thấy phù hợp với công việc, vị trí của mình. Khi chúng ta hiểu sở thích, hành vi, tâm lý của một người thì ta có thể dễ dàng phân công nhiệm vụ phù hợp cho họ. Điều này sẽ giúp cải thiện hiệu suất công việc và gia tăng mức độ tương tác.
  • Nâng cao hiểu biết thêm về khách hàng: Trong công việc kinh doanh, việc xung đột với khách hàng là điều tối kỵ. Hiểu thêm về sở thích của khách hàng sẽ giúp các nhân viên biết được cách phục vụ hiệu quả hơn.

Các hành vi đặc trưng của từng loại

Dominance: Sự thống trị

Những người thuộc nhóm D là những người có tính cách quyết đoán, khắt khe nhất trong 4 loại DISC. Phong cách D có xu hướng khá cạnh tranh và chủ yếu tập trung hướng đến kết quả. Vì vậy, những người thuộc phong cách D đôi khi bị người khác nhìn nhận là hung hăng, thẳng thắn, thậm chí là thô lỗ. Khi phong cách D cảm thấy áp lực, họ sẽ tập trung nhiều hơn nữa vào công việc, vì vậy có thể nói nhóm này thiếu nhạy cảm, thiếu quan tâm đến người khác. Họ không muốn mất kiểm soát, thay vào đó họ muốn chủ động phụ trách công việc và nhiệm vụ.

Những người nhóm D thích di chuyển nhanh chóng. Họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro và muốn hoàn thành công việc nhanh chóng nhất có thể. Họ cũng thích sự thay đổi và thử thách. Đôi khi họ thiếu đi tính kiên nhẫn vì họ muốn thực hiện công việc được nhanh chóng và làm theo cách của họ. Tuýp người này thường không phải là người biết lắng nghe và có thể dễ dàng đưa ra quyết định nhanh chóng. Mặt khác, họ khá xuất sắc trong việc nhìn rộng ra bức tranh toàn cảnh, có tính đa nhiệm cao, thực hiện được nhiều loại công việc khác nhau.

Tuy vậy những người nhóm D thường hay không có tính khiêm tốn, đôi khi bị người khác nhận xét là kiêu ngạo.

Một số tính cách hay gặp ở nhóm người D:

  • Tính cạnh tranh cao
  • Hay đòi hỏi
  • Định hướng kết quả
  • Quả quyết, quyết đoán
  • Khó chịu
  • Tự chủ
  • Nóng nảy
  • Táo bạo, mạnh mẽ
  • Có tính thống trị
  • Can đảm
Influence: Sự ảnh hưởng

Những người thuộc nhóm I là những người hướng ngoại, tràn đầy lạc quan và muốn trở thành trung tâm của sự chú ý. Họ muốn tương tác, giao tiếp với mọi người xung quanh, không thích dành thời gian ở 1 mình. Phong cách I rất giỏi trong việc gây ảnh hưởng đến người khác và khiến mọi người nghe lời họ, xem họ là lãnh đạo. Những người này biết mình muốn gì, sắp xếp mọi người xung quanh lại với nhau để hoàn thành công việc đó. Những người có phong cách I khao khát được xã hội chấp nhận, mong muốn mọi người thích mình, đôi khi có thể bốc đồng hơi quá.

Những người có phong cách I đôi khi có thể nói quá nhiều, thiếu tập trung và dễ xúc động. Những người này được đánh giá là rất thân thiện, năng động và tràn đầy năng lượng. Tuy vậy, đôi khi người khác lại cho rằng họ bất cẩn trong công việc và vô tổ chức. Khi gặp áp lực, họ sẽ tập trung hơn vào các yếu tố con người hơn là tập trung vào công việc, nhiệm vụ.

Một số tính cách hay gặp ở nhóm người I:

  • Tính xã hội, cộng đồng cao
  • Tự phát, bốc đồng
  • Nói nhiều
  • Tràn đầy năng lượng
  • Thân thiện, dễ gần
  • Cẩu thả
  • Đa cảm
  • Có sức lôi cuốn
  • Bốc đồng
  • Lạc quan
Steadiness: Sự kiên định

Những người thuộc nhóm S có tính cách ổn định, điềm tĩnh và dễ hiểu. Họ sống có phần kín đáo, thích tương tác với những người họ quen thuộc. Những người này thích sự ổn định, mọi thứ phải được giữ nguyên, đặt an toàn, bảo mật lên hàng đầu. Đối với họ, gia đình và bạn bè rất quan trọng, họ sẽ mạnh mẽ bảo vệ những người họ quen, thiên về mặt tình cảm hơn.

Những người này được xem là đáng tin cậy, có độ ổn định cao. Họ tập trung vào sự hợp tác với người khác để thực hiện các công việc. Đôi khi, những người nhóm S thích người khác nói cho họ biết chi tiết về công việc, thời gian, cách thức làm và họ sẵn lòng làm theo. Nếu không cung cấp đủ dữ liệu cho họ, thì những người thuộc nhóm S sẽ do dự trong hành động và ra quyết định, thậm chí không thực hiện công việc vì họ không muốn mắc sai lầm.

Vì những người nhóm S thích sự ổn định, bảo mật và an toàn, nên họ có xu hướng không thích sự thay đổi. Nỗi sợ hãi lớn nhất của họ là sự mất ổn định. Những người này thích an toàn nhiều hơn là sự thách thức.

Một số tính cách hay gặp ở nhóm người S:

  • Cẩn thận
  • Vững chắc
  • Chăm sóc mọi người
  • Ủng hộ
  • Chân thành
  • Trung thành
  • Đáng tin cậy
  • Đa cảm
  • Kiên nhẫn
  • Điềm tĩnh, ổn định
Compliance: Sự tuân thủ

Những người thuộc nhóm C có định hướng rất chi tiết, tập trung vào sự kiện, thông tin và bằng chứng. Họ thoải mái khi làm việc một mình. Những người này có phong cách thận trọng và có những tiêu chuẩn cao. Họ tập trung vào phân tích nhiệm vụ, trong công việc họ xem trọng chất lượng của sản phẩm và dịch vụ.

Đôi khi phong cách C hay phàn nàn người khác, tập trung vào việc tìm ra sai lầm, mong muốn mọi người tuân theo tiêu chuẩn riêng của họ. Tuy vậy, mong muốn làm mọi công việc một cách chính xác đôi lúc làm chậm quá trình ra quyết định, họ phân tích quá kỹ vấn đề và cần nhiều thông tin. Khi làm việc dưới áp lực, họ thường bị chỉ trích trong công việc.

Một số tính cách hay gặp ở nhóm người C:

  • Phân tích
  • Chi tiết
  • Chính xác
  • Cầu toàn
  • Dè dặt, cẩn thận
  • Kỹ lưỡng
  • Tuân thủ, kiểm soát mọi việc
  • Thận trọng

Cách xác định từng loại DISC

Dominance: Sự thống trị
  • Thường tỏ ra vội vàng
  • Thẳng thắn và nói những gì họ nghĩ
  • Bảo vệ quan điểm riêng
  • Thường xuyên ngắt lời người khác
  • Có thể nói chuyện với nhiều người cùng 1 lúc
  • Thường có các câu hỏi như “Điểm mấu chốt là gì?”, “Điều này có lợi cho TÔI như thế nào?”
  • Không có tính kiên nhẫn
  • Dễ bị kích động
Influence: Sự ảnh hưởng
  • Cởi mở và thân thiện
  • Nói nhiều
  • Dễ bị kích động
  • Nói nhiều về những người họ biết
  • Không tập trung, không lắng nghe lâu
  • Không để ý kỹ
  • Đôi khi có thể lặp đi lặp lại câu hỏi nhiều lần
  • Nhảy từ chủ đề này sang chủ đề khác
Steadiness: Sự kiên định
  • Dễ gần và tỏ ra bình tĩnh
  • Lắng nghe cẩn thận, thường xuyên trầm ngâm
  • Thích không gian riêng
  • Không dễ bị kích động
  • Suy nghĩ nhiều lựa chọn thay thế khác nhau, chậm đưa ra quyết định
  • Đặt câu hỏi nhiều và yêu cầu các chi tiết cụ thể
  • Những ý tưởng, sự thay đổi mới sẽ khiến họ không thoải mái
Compliance: Sự tuân thủ
  • Yên lặng, tiến hành công việc một cách thận trọng
  • Tập trung vào các chi tiết, đặt nhiều câu hỏi
  • Có chủ ý và được kiểm soát
  • Không thoải mái khi tiếp xúc cơ thể
  • Có vẻ dè dặt và hơi rụt rè
  • Không dễ dàng bày tỏ quan điểm bất đồng
  • Nghiên cứu công việc và các thông tin một cách cẩn thận
  • Chỉ đưa ra quyết định sau khi nghiên cứu và có thông tin thích hợp

Phong cách giao tiếp và phong cách lãnh đạo

Dominance: Sự thống trị

Những người có phong cách D thường giao tiếp theo 1 hướng, tức là họ nói và mong muốn người khác phải lắng nghe mình. Ý kiến của họ phải được chấp nhận, không cần phải thảo luận gì thêm. Đôi khi họ có thể thẳng thắn, thậm chí thách thức người khác. Họ muốn di chuyển, giao tiếp, làm việc một cách nhanh chóng. Vì vậy họ hay ngắt lời người khác, không muốn người khác đóng góp ý kiến cho họ.

Phong cách lãnh đạo của những người thuộc nhóm D thể hiện quyền lực dựa trên sự sợ hãi của người khác bằng cách sử dụng sức mạnh của mình. Họ cảm thấy thoải mái với những tình huống khủng hoảng và thay đổi liên tục. Vì vậy, họ khá xuất sắc trong việc nhìn rộng ra bức tranh lớn hơn, tập trung vào kết quả công việc. Đôi khi họ xem mọi người xung quanh chỉ là một công cụ, nguồn lực để thực hiện công việc.

Influence: Sự ảnh hưởng

Những người thuộc nhóm I giao tiếp đầy cảm hứng, nhưng lại nói rất nhiều. Họ thường tập trung vào những điều tích cực và tránh né những chủ đề có thể gây khó chịu. Những người này rất giỏi trong việc đưa ra nhận định, phản hồi tích cực, mang tính xây dựng đóng góp.

Những người thuộc kiểu I lãnh đạo dựa trên sức hút của họ. Họ thường xuyên thúc đẩy mọi người và tạo ra một bầu không khí tốt. Đây là những nhà lãnh đạo hướng về con người, mong muốn tiếp xúc với nhiều người. Họ rất giỏi khi gặp những thách thức, đặc biệt trong các tổ chức mới và đang phát triển.

Steadiness: Sự kiên định

Những người nhóm S thích giao tiếp 1 hướng, tuy vậy họ chỉ thích giao tiếp với 1 người trong cùng 1 thời điểm. Họ thích nghe nhiều hơn nói, sẽ trả lời khi được hỏi. Những người này giao tiếp bình tĩnh, hoà nhã, có mức độ tin tưởng cao khi nói chuyện. Chủ đề khi giao tiếp họ thích là những chủ đề mà họ đã hiểu rõ, thành thạo về nó. Ngoài ra, họ sẽ giải thích chi tiết mọi việc một cách bình tĩnh và thấu đáo.

Phong cách lãnh đạo của những người nhóm S dựa trên kinh nghiệm, chuyên môn của họ. Với tư cách là nhà lãnh đạo, họ cảm thấy thoải mái trong việc duy trì các thói quen và sự ổn định của họ. Phong cách của nhóm S dẫn dắt những đội nhóm nhỏ, phong cách lãnh đạo của họ là tham gia.

Compliance: Sự tuân thủ

Những người thuộc nhóm C thích giao tiếp bằng email, các văn bản. Họ không dễ dàng bày tỏ quan điểm bất đồng. Họ muốn có thông tin chi tiết, dựa trên thực tế để việc đưa ra quyết định được chính xác. Mặt khác, vì quá tập trung vào chi tiết và thông tin, đôi khi họ không nhìn thấy bức tranh toàn cảnh. Mặt khác, trong thực tế nhiều người đánh giá những người nhóm C có khả năng ngoại giao cực kỳ tốt.

Phong cách lãnh đạo của những người nhóm C dựa trên các quy tắc và tiêu chuẩn đã được nghiên cứu. Họ thích giữ khoảng cách với mọi người, xem trọng các quy tắc, luật lệ, tập trung vào chất lượng. Có thể nói, những người này có phong cách lãnh đạo “mọi thứ”, họ quan tâm đến tất cả sự kiện, chi tiết và phân tích dữ liệu.

Quy trình xác định tính cách DISC

Quay trở lại phần đầu tiên, chúng ta đã biết DISC được phân chia hành vi của con người dựa trên 2 yếu tố:

  • Hướng về công việc hay hướng về con người
  • Chủ động hay bị động

Như vậy, chúng ta có thể xác định một người dựa trên 2 yếu tố này.

Bước 1: Xác định tiêu chí Chủ động – Bị động

Khi giao tiếp, xem xét người đối diện có chủ động nói lên ý kiến của mình không, hay đợi chúng ta hỏi rồi mới trả lời. Họ có thường xuyên dẫn dặt câu chuyện hay chỉ trả lời ngắn gọn cho qua. Khi đó, chúng ta sẽ xác định được người đối diện thuộc tiêu chí Chủ động hay Bị động.

Bước 2: Xác định tiêu chí Hướng về công việc – Hướng về con người

Tiếp theo chúng ta sẽ xem xét người đối diện họ tập trung vào công việc hay con người hơn. Thông thường, những người hướng vào công việc sẽ có kiến thức chuyên môn tốt, cứng nhắc trong việc phân tích dữ liệu. Ngược lại, những người Hướng về con người có tính cách hoà đồng, rất dễ tiếp xúc với họ. Họ tập trung vào suy nghĩ và tâm lý của người khác hơn là phân tích thông tin, đưa ra những quyết định quan trọng.

Bước 3: Ghép kết quả

Sau khi hoàn thành 2 bước trên, chúng ta sẽ ghép kết quả lại, sau đó xem xét kết quả:

Dominance (Sự thống trị): Chủ động + Hướng về công việc

Influence (Sự ảnh hưởng): Chủ động + Hướng về con người

Steadiness (Sự kiên định): Bị động + Hướng về con người

Compliance (Sự tuân thủ): Bị động + Hướng về công việc

Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời kinhtequantri một ly cà phê nhé!

By admin
0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
%d bloggers like this: