Con người từ thuở sơ khai đã luôn theo đuổi hạnh phúc. Tuy vậy, khái niệm hạnh phúc rất khó định nghĩa một cách chính xác. Thông thường, mọi người hay nghĩ hạnh phúc là có một cuộc sống tươi đẹp, thành đạt, tận hưởng niềm vui và thực hiện được các mục đích cá nhân. Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi tìm hiểu một mô hình nói về hạnh phúc: PERMA.
Mô hình hạnh phúc PERMA là gì?
Mô hình hạnh phúc PERMA được xây dựng và phát triển bởi nhà tâm lý học Martin Seligman, giới thiệu lần đầu trong cuốn sách xuất bản năm 2011 của ông “Flourish”. PERMA là từ viết tắt của 5 yếu tố cần thiết để chúng ta có thể trải nghiệm cuộc sống hạnh phúc lâu dài.
- Positive emotions (Cảm xúc tích cực): cảm giác tốt đẹp
- Engagement (Tham gia): tập trung hoàn toàn vào các hoạt động hàng ngày
- Relationships (Các mối quan hệ): được kết nối với những người khác
- Meaning (Ý nghĩa): có mục đích tồn tại
- Achievement (Thành tựu): cảm giác thành công
Positive emotions (Cảm xúc tích cực)
Cảm xúc tích cực là một trong những thành phần không thể thiếu để giúp chúng ta đạt được hạnh phúc. Các dạng cảm xúc tích cực thông thường như như yên bình, lòng biết ơn, hài lòng, niềm vui, cảm hứng, tình yêu, …
- Dành thời gian với những người chúng ta quan tâm.
- Làm những việc chúng ta yêu thích.
- Nghe nhạc giúp tạo ra cảm hứng.
- Suy ngẫm về những gì tốt đẹp trong cuộc sống của chúng ta.
Engagement (Tham gia)
Chúng ta nên tham gia nhiều vào các công việc, dự án, nhiệm vụ, … mà chúng ta thật sự có cảm giác tận hưởng và yêu thích chúng. Đôi khi chúng ta sẽ cảm thấy thời gian như ngừng trôi, đánh mất ý thức về bản thân, tập trung cao độ vào những công việc ấy. Nếu chúng ta càng trải qua nhiều công việc như thế này, chúng ta càng hạnh phúc.
- Tham gia vào các hoạt động mà chúng ta thật sự yêu thích, đôi khi có thể quên đi thời gian và không gian.
- Dành thời gian vào những hoạt động cộng đồng, ngay cả khi công việc có bận rộn.
- Dành thời gian tận hưởng môi trường thiên nhiên, quan sát, lắng nghe những gì xảy ra xung quanh chúng ta.
- Xác định và tìm hiểu về điểm mạnh của bản thân, làm những gì chúng ta cảm nhận được chúng ta xuất sắc trong lĩnh vực ấy.
Relationships (Các mối quan hệ)
Hạnh phúc và sức khoẻ tâm lý gắn bó chặt chẽ với nhau. Theo một nghiên cứu, một trong những chức năng của xã hội là chúng ta có thể lan toả hạnh phúc, niềm vui của bản thân. Là con người, ai cũng muốn được kết nối và trở thành một thành viên của một cộng đồng nào đó. Đó là lý do tại sao trong các mối quan hệ như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, chúng ta luôn nhận được sự hỗ trợ về mặt tinh thân khi gặp phải một tình huống khó khăn trong cuộc sống.
- Tham gia vào một nhóm, một cộng đồng mà chúng ta quan tâm.
- Đặt câu hỏi về những người mà chúng ta chưa biết rõ để hiểu hơn về họ.
- Tạo tình bạn, mối quan hệ với những người xung quanh.
- Liên lạc lại với những người mà chúng ta đã không nói chuyện và liên lạc trong một thời gian dài.
Meaning (Ý nghĩa)
Hạnh phúc thật sự đến từ việc tạo ra ý nghĩa cho cuộc sống, chứ không phải việc theo đuổi thú vui, tiền bạc, của cải vật chất. Sống một cuộc sống ý nghĩa tức là chúng ta phục vụ một mục tiêu cao cả, lớn hơn so với bản thân. Ý nghĩa có thể được theo đuổi thông qua một nghề nghiệp, sự nghiệp, hoặc một niềm tin tôn giáo nào đó.
- Tham gia vào một tổ chức quan trọng đối với chúng ta.
- Hãy thử các hoạt động mới, sáng tạo tìm kiếm những thứ mà chúng ta kết nối được.
- Hãy nghĩ về cách chúng ta có thể sử dụng đam mê của mình để giúp đỡ người khác.
- Dành thời gian với những người chúng ta quan tâm.
Achievement (Thành tựu)
Yếu tố cuối cùng là thành tựu, là những gì chúng ta tự hào về những việc ta đã hoàn thành. Chính những thành tích này củng cố lòng tự trọng và sự tự tin của chúng ta. Khi đạt được một điều gì đó trong cuộc sống, chúng ta cảm thấy tốt và mong muốn cống hiến nhiều hơn nữa.
- Liên tục đặt mục tiêu SMART cho những công việc chúng ta thực hiện.
- Suy ngẫm về những thành công trong quá khứ.
- Đôi khi có thể suy nghĩ những cách ăn mừng thành tích sáng tạo để tạo động lực và sự tự tin cho bản thân.
Áp dụng mô hình hạnh phúc PERMA vào công việc
- Cảm xúc tích cực có thể tạo ra một cách đơn giản như chúc mừng một đồng nghiệp nào đó khi họ đạt được thành tích trong công việc.
- Nơi chúng ta làm việc nên có những không gian giải trí, giúp mọi người có thể thoải mái sau những phút giây làm việc căng thẳng.
- Tạo ra các mối quan hệ đồng nghiệp tích cực. Công ty nên có nhiều các chương trình team-building, các nhân viên chủ động gắn kết với nhau nhiều hơn.
- Một doanh nghiệp ngoài những nhiệm vụ chính như hoạt động kinh doanh hiệu quả, thì nên có những hoạt động xã hội tích cực, ví dụ như từ thiện, trách nhiệm xã hội, cộng đồng, …
- Thành tích trong công việc sẽ có ý nghĩa hơn nếu được mọi người công nhận. Vì vậy nên khuyến khích nhân viên nhiều hơn mỗi khi họ thực hiện tốt nhiệm vụ công việc, có thể đơn giản chỉ là khen thưởng, động viên, tổ chức buổi tiệc nhẹ, …