Mỗi một con người đều có những đặc điểm riêng và khả năng học tập khác nhau. Để đạt được thành công trong cuộc sống, không thể không có những yếu tố như kiến thức, kỹ năng, thái độ và thói quen. Những yếu tố này song hành cùng với nhau và góp phần tạo nên mức độ thành công của con người trong sự nghiệp. Trong bài viết này chúng ta sẽ đi tìm hiểu xem mô hình năng lực KASH giúp ích được gì cho việc nâng cao kiến thức của chúng ta.
Mô hình năng lực KASH là gì?
Mô hình KASH là mô hình được nâng cấp từ mô hình KSA (còn có tên gọi là mô hình ASK). KASH là viết tắt của Knowledge (Kiến thức), Attitudes (Thái độ), Skills (Kỹ năng) và Habits (Thói quen).
Knowledge (Kiến thức)
Kiến thức là khả năng nhận thức của một người về một vấn đề nào đó. Kiến thức có được từ việc học tập, giáo dục, đào tạo và kinh nghiệm tích luỹ. Đây là nền tảng cho năng lực và thể hiện cho sự thành công của con người. Nói ngắn ngọn, một người càng học nhiều thì họ càng hiểu biết nhiều hơn và có thể áp dụng nhiều kiến thức vào công việc sau này. Một cá nhân sẽ phải có kiến thức cơ bản trước khi phát triển những kỹ năng và thái độ.
Attitudes (Thái độ)
Thái độ là cách suy nghĩ hoặc cảm nhận của một người về một vấn đề hoặc một cá nhân nào đó. Thái độ đôi khi được nhìn nhận là cách mà một người giải quyết vấn đề bằng cảm xúc, điều này phản ánh trong hành vi của người đó. Thái độ của một cá nhân ảnh hưởng đến cảm giác, giá trị, sự đánh giá và động lực để thực hiện một vấn đề. Vì vậy, thái độ sẽ ảnh hưởng đến năng suất và hiệu suất của họ. Một thái độ tích cực sẽ giúp thúc đẩy con người nỗ lực làm việc hết mình và cố gắng tối đa hoá hiệu suất.
Thái độ là một yếu tố rất quan trọng của việc giáo dục, bởi vì trong khi kiến thức và kỹ năng có thể mang lại cho chúng ta những kiến thức, kinh nghiệm, cách thức làm việc, thì thái độ chính là yếu tố quyết định mức độ hiệu quả đạt được. Nếu một người không có động lực làm việc, thái độ kém, thì cho dù họ có bao nhiêu kiến thức hay kỹ năng thì họ cũng sẽ không làm tốt công việc được.
Việc phát triển và điều chỉnh thái độ của một con người rất mất thời gian và đòi hỏi sự nỗ lực cao. Thông thường chúng ta không dễ dàng thay đổi thái độ của một người nếu thái độ đó đã được hình thành trong một thời gian dài.
Skills (Kỹ năng)
Kỹ năng là khả năng của một người để thực hiện hoạt động, công việc hoặc một nhiệm vụ nào đó. Kỹ năng thông thường được hình thành từ khả năng tự nhiên của con người. Tuy vậy, năng lực, mức độ thành thạo kỹ năng đòi hỏi việc thực hành nhiều, có kinh nghiệm và được đào tạo bài bản. Thông thường, con người sẽ có được kiến thức về một lĩnh vực nào đó, sau đó bắt tay vào thực hiện công việc, từ đó hình thành kỹ năng.
Habits (Thói quen)
Thói quên là những hành vi của một người được thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần giống nhau, khi thực hiện hành động đó chúng ta đôi khi không cần phải cố gắng hoặc suy nghĩ để hành động. Cần lưu ý thói quen không phải là một điều gì mà con người có thể học được, mà là do chính chúng ta tạo ra thói quen. Chúng ta học kiến thức, luyện tập kỹ năng, sau đó lặp đi lặp lại hành động đó cho đến khi tạo thành thói quen. Tất nhiên, thói quen tốt thì sẽ thúc đẩy hiệu quả và hiệu suất công việc tốt lên. Thói quen cần có thời gian để thích ứng và phát triển, nhưng sẽ rất khó thay đổi nếu thói quen đã hình thành. Vì vậy, quan trọng là mỗi người chúng ta phải hình thành những thói quen tốt ngay từ ban đầu, vì những thói quen xấu cũng sẽ rất khó sửa và thay đổi.
Hộp KASH (KASH Box) là gì?
KASH Box là công cụ dùng để huấn luyện và đào tạo do David Herdlinger đề xuất. Theo đó, khi thực hiện công việc, hiệu suất kém không chỉ do chúng ta thiếu kiến thức và kỹ năng, mà còn do thái độ kém và có thói quen không tốt.
KASH Box chia các đặc điểm hiệu suất thành 4 yếu tố riêng biệt, 4 yếu tố này được chia thành 2 nhóm:
- Kiến thức và kỹ năng
- Thái độ và thói quen

Cấu trúc của KASH Box giúp phân định giữa đào tạo và hiệu suất. Kiến thức và kỹ năng thường được coi là thành phần học tập và đào tạo của một cá nhân, trong khi đó thái độ và thói quen giúp hình thành hiệu quả hoạt động công việc. Hiện nay, nhiều cá nhân lẫn các tổ chức đều chỉ tập trung vào việc phát triển kiến thức và kỹ năng, trong khi đó yếu tố thái độ và thói quen dường như bị bỏ qua. Điều này có thể gây ra các bất lợi cho hoạt động và sự thành công của doanh nghiệp.
Kiến thức và kỹ năng
Phía bên trái của hộp là 2 yếu tố Knowledge (Kiến thức) và Skills (Kỹ năng). Những yếu tố này có thể được phát triển dựa trên các chương trình đào tạo và kinh nghiệm trong thực tế, kinh nghiệm làm việc. Các chương trình giáo dục và đào tạo có thể thu hẹp khoảng cách về kiến thức và kỹ năng.
Thái độ và thói quen
Phía bên phải của hộp là 2 yếu tố Attitude (Thái độ) và Habit (Thói quen). Đây là 2 yếu tố giúp chúng ta có được tư duy và hành vi đúng đắn để có thể áp dụng những kiến thức và thực hiện được những kỹ năng. Nếu một người có kiến thức, kỹ năng, biết cách thực hiện công việc, tuy vậy có một lý do nào đó mà không thể làm tốt công việc thì hẳn là do yếu tố thái độ kém và thói quen xấu. Điều này có thể giải quyết bằng các chương trình huấn luyện, cố vấn trong doanh nghiệp.
Ứng dụng KASH Box trong doanh nghiệp
Mỗi một nhân viên trong tổ chức đều có 4 đặc điểm riêng biệt này, đồng thời hiệu quả và hiệu suất làm việc cũng ảnh hưởng bởi 4 yếu tố KASH. Tuy vậy, hầu hết các doanh nghiệp ngày nay khi tuyển dụng hoặc đào tạo đều quá tập trung vào kiến thức và kỹ năng chuyên môn của nhân viên. Sự thành công của một doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào kiến thức và kỹ năng, mà còn dựa vào thái độ và thói quen của nhân viên. Trên thực tế, khi một nhân viên bị sa thải, lý do chính nhất là do họ có những thái độ kém hoặc thói quen xấu, dẫn đến hiệu suất không tốt, chứ không phải do họ thiếu kiến thức hoặc kỹ năng cần thiết.
Việc doanh nghiệp quá tập trung vào kiến thức và kỹ năng cũng khá dễ hiểu, vì 2 yếu tố này có thể đo lường được dễ dàng thông qua các bài kiểm tra, quan sát nhìn nhận kỹ năng chuyên môn thực tế của nhân viên. Mặt khác, để đo lường thái độ và thói quen không dễ để thực hiện. Tuy vậy, để trở thành một doanh nghiệp thành công, chúng ta không nên quá tập trung vào kiến thức và kỹ năng, mà còn phải chú ý đến các đặc điểm tính cách cá nhân gắn liền với thái độ và thói quen tốt của nhân viên.