Khi sự nghiệp của chúng ta phát triển, thì các nhiệm vụ liên quan đến chuyên môn và kỹ thuật sẽ được thực hiện ít hơn. Thay vào đó, chúng ta sẽ dành nhiều thời gian hơn cho việc quản lý đội nhóm, lập kế hoạch chiến lược. Tuy vậy, vào những năm đầu thế kỷ 19 thì con người không nghĩ vậy, các nhà quản trị nắm giữ vị trí cấp cao đều là người có chuyên môn kỹ thuật cao nhất. Henri Fayol không nghĩ vậy, ông nhận ra rằng những kỹ năng khiến con người hoàn thành tốt các công việc không nhất thiết sẽ giúp ích cho họ trở thành một nhà quản trị giỏi.
Henri Fayol là ai?
Henri Fayol là một kỹ sư và sau này là nhà quản lý của công ty Compagnie de Commentry-Fourchambault-Decazeville ở Pháp vào giai đoạn cuối cuộc cách mạng công nghiệp. Dưới sự quản lý và giám sát của ông, công ty đã thoát khỏi giai đoạn khó khăn và trở nên thành công. Ông đã đề ra 14 quy tắc quản lý, xác định những kỹ năng cần thiết để quản lý tốt. Song song đó, Fayol cũng tạo ra 5 chức năng chính của quản trị, đi đôi với 14 quy tắc quản lý.
Lý thuyết quản trị hành chính
Henri Fayol gọi các kỹ năng quản lý là “Chức năng của quản trị”. Trong cuốn sách xuất bản năm 1916 “Administration Industrielle et Générale”, ông đã chia sẻ kinh nghiệm quản lý lực lượng lao động. Cuốn sách này của Henri Fayol đã giúp hình thành lý thuyết quản trị hành chính.
14 Nguyên tắc quản trị của Fayol
Bằng kinh nghiệm thực tế diễn ra hàng ngày trong công việc, Henri Fayol chú ý đến những khía cạnh công việc hiệu quả và không hiệu quả, từ đó tổng hợp lại thành 14 nguyên tắc quản trị.
- Phân chia công việc: Giao cho mỗi nhân viên một nhiệm vụ mà họ có thể thành thạo. Năng suất tăng khi nhân viên có tay nghề cao, ổn định và hiệu quả.
- Quyền hạn: Người quản trị phải có quyền ra lệnh, song song đó quyền hạn phải đi kèm với trách nhiệm. Fayol cho rằng trí thông minh, kinh nghiệm và giá trị của nhà quản trị nên thể hiện sự tôn trọng.
- Kỷ luật: Mọi cá thể trong một tổ chức phải tuân theo các quy tắc đã định sẵn. Các thoả thuận, quy tắc này phải thể hiện rõ ràng cho tất cả mọi người có thể xem và hiệu được.
- Nguyên tắc thống nhất mệnh lệnh: Henri Fayol cho rằng một nhân viên chỉ nên nhận lệnh chỉ từ một người giám sát. Nếu vi phạm nguyên tắc này thì quyền lực, kỷ luật, trật tự và sự ổn định sẽ bị đe doạ.
- Sự thống nhất về phương hướng: Các nhân viên phải có cùng mục tiêu, làm việc dưới sự chỉ đạo của nhà quản lý, cùng làm theo kế hoạch và chiến lược đề ra. Henri Fayol cho rằng đây là điều kiện cần thiết để toàn tổ chức có thể thống nhất hành động, phối hợp sức mạnh và tập trung nỗ lực, hướng đến mục tiêu chung.
- Lợi ích tập thể lớn hơn lợi ích cá nhân: Mỗi thành viên trong tổ chức nên theo đuổi lợi ích nhóm hơn là lợi ích cá nhân.
- Thù lao: Sự hài lòng của nhân viên phụ thuộc vào các chế độ đãi ngộ công bằng, bao gồm tài chính và phi tài chính.
- Tập trung hoá và phân tán: Cân bằng trong việc đưa ra quyết định từ cấp trên với việc để nhân viên tự đưa ra quyết định. Chuẩn mực của việc cân bằng này phải dẫn đến toàn bộ năng suất đạt cao nhất.
- Cấp bậc, tuyến, xích lãnh đạo: Mọi cá nhân phải biết vị trí của họ đang ở đâu trong hệ thống phân cấp tổ chức, biết phải nhận lệnh từ ai. Phải đảm bảo nguyên tắc, vận dụng phải linh hoạt, không được cứng nhắt.
- Trật tự: Henri Fayol cho rằng “đúng người và đúng chỗ” sẽ tạo ra một trật tự xã hội hiệu quả. Phải sắp xếp con người, máy móc thiết bị, … vào đúng vị trí của nó. Đây là nguyên tắc quan trọng trong việc sắp xếp, sử dụng con người, trang thiết bị, …
- Công bằng: Các nhà quản trị phải công bằng với tất cả nhân viên. Bằng cách kết hợp giữa sự tử tế và công bằng nơi làm việc, các nhân viên sẽ thực hiện nhiệm vụ, công việc của mình với lòng trung thành và tận tâm cao nhất.
- Ổn định nhiệm vụ: Các doanh nghiệp nên hạn chế việc luân chuyển nhân viên, thay đổi vai trò để tạo nên sự ổn định và tối đa hoá hiệu quả. Nếu nhân viên phù hợp với vị trí và đảm nhận tốt công việc của mình, họ sẽ hạnh phúc và làm việc hiệu quả hơn.
- Sáng kiến: Mọi cá nhân trong tổ chức nên được khuyến khích phát triển và thực hiện công việc một cách sáng tạo. Fayol cho rằng các nhà quản trị nên để nhân viên tự do sáng tạo, từ đó sẽ khiến họ có được thêm sự nhiệt tình và năng động trong công việc, điều này rất có lợi cho công việc.
- Tinh thần đoàn kết: Đoàn kết luôn tạo ra sức mạnh, các tổ chức nên cố gắng thúc đẩy tinh thần đồng đội, sự đoàn kết và nhuệ khí của mình.
5 chức năng quản trị của Fayol
Ngoài 14 nguyên tắc quản trị, Henri Fayol còn đưa ra 5 chức năng của quản trị nhằm cung cấp bức tranh tổng thể về cách hoạt động của nhà quản trị.
- Lập kế hoạch (Planning): Lập kế hoạch để xem xét đánh giá các yếu tố và có phương án thích hợp trong tương lai. Điều này bao gồm kế hoạch hành động linh hoạt, xem xét nguồn lực của công ty, các công việc đang thực hiện và xu hướng thị trường trong tương lai.
- Tổ chức (Organizing): Đặt ra hệ thống cấp bậc và trách nhiệm cho nhân viên. Chức năng này bao gồm tuyển dụng, đào tạo, điều phối các hoạt động và làm cho các công việc trong doanh nghiệp phải luôn rõ ràng.
- Chỉ huy (Commanding): Các nhà quản trị phải hiểu rõ kỹ năng của nhân viên, từ đó có thể khai thác và chỉ huy tốt các nhân sự dưới quyền.
- Phối hợp (Coordinating): Trong một tổ chức có sự phối hợp tốt, các bộ phận sẽ biết trách nhiệm của họ, nhu cầu của các bộ phận khác và nghĩa vụ hoàn thành công việc giữa các nhóm với nhau.
- Kiểm soát (Controlling): Liên tục kiểm tra các quy tắc, kế hoạch và quy trình có hoạt động đúng theo kế hoạch hay không.
Đánh giá về lý thuyết quản trị hành chính của Henri Fayol
Điểm tích cực
- Các nguyên tắc quản trị của Fayol ủng hộ tinh thần đồng đội, các cá nhân làm việc cùng nhau vì lợi ích chung của doanh nghiệp.
- 5 chức năng của quản trị cho thấy sự cần thiết của việc lập kế hoạch và cho phép các nhà quản trị có những phương án dự phòng thích hợp trước sự thay đổi nhanh chóng của thị trường.
- Fayol là một trong những người đầu tiên nhận ra rằng quản trị là một hoạt động có quá trình liên tục và cải tiến.
- Henri Fayol đề cao việc tạo động lực cho mọi người bằng cách chủ động truyền cảm hứng, tạo ra sự tôn trọng thông qua các giá trị, đảm bảo mọi người hạnh phúc và làm việc hiệu quả.
- Người quản trị được tôn trọng vì các giá trị đóng góp của họ, dành nhiều thời gian để hiểu hơn về nhân viên của mình, tạo ra các khoá đào tạo để giúp nhân viên có kiến thức chuyên môn tốt hơn.
Các chỉ trích
- Phi khoa học: Một số người chỉ trích rằng liệu chúng ta có thể đưa ra một khuôn mẫu lý thuyết chỉ dựa vào quan sát của 1 cá nhân hay không. Tuy vậy Fayol nhấn mạnh rằng ông chỉ đặt nền tảng cho người khác xây dựng thêm.
- Quá nhiều quy định và cứng nhắt: Nhiều người cho rằng một nhà quản lý không thể chi phối hết 14 nguyên tắc quản trị này. Fayol lại cho rằng danh sách của ông chưa thật sự đầy đủ, và các nguyên tắc này nên được linh hoạt và điều chỉnh cho phù hợp với từng tổ chức khác nhau.
- Lạnh lùng và vô nhân đạo: Có nhiều chỉ trích cho rằng lý thuyết quản trị hành chính nhấn mạnh hiệu quả vào các nhu cầu xã hội và tâm lý của người lao động. Song nó chưa thật sự chú trọng đầy đủ các mặt tâm lý và môi trường lao động, chưa đề cập đến các mối quan hệ với bên ngoài doanh nghiệp.