Thiết lập mục tiêu là cách thức hữu ích khi chúng ta muốn thực hiện các chiến lược hoặc mục tiêu cá nhân. Bằng cách đặt mục tiêu, tạo lộ trình rõ ràng, chúng ta có thể quyết định được cách sử dụng thời gian và nguồn lực của mình một cách hợp lý để đạt được các mục tiêu đó. Nếu không có mục tiêu, chúng ta sẽ khó xác định làm thế nào để có được một công việc ổn định, sự thăng tiến và các mục tiêu quan trọng mà chúng ta muốn đạt được.
Khi bắt đầu đặt mục tiêu, chúng ta cần phải có những nguyên tắc nhất định. Trong đó có một nguyên tắc giúp xác định mục tiêu có tên là SMART.
Nguyên tắc xác định mục tiêu SMART là gì?
SMART là từ viết tắt mà chúng ta có thể sử dụng để thiết lập mục tiêu cho riêng mình. Ban đầu nguyên tắc SMART được sử dụng nhiều cho mục đích quản trị theo mục tiêu (MBO) của Peter Drucker. Tháng 11 năm 1981, George T. Doran, một nhà tư vấn và cựu giám đốc kế hoạch doanh nghiệp của công ty Điện nước Washington, đã xuất bản bài báo có tên “There’s a SMART Way to Write Management’s Goals and Objectives” (tạm dịch: Có một cách THÔNG MINH để thiết lập các mục tiêu của quản lý). Sau đó, giáo sư Robert S. Rubin thuộc trường Đại học Saint Louis cũng đã cho ra mắt bài báo trên trang “The Society for Industrial and Organizational Psychology”, cho rằng nguyên tắc SMART có ý nghĩa khác nhau với từng người, cần phải cập nhật liên tục để phản ánh tầm quan trọng của hiệu quả mục tiêu.
Về cơ bản, mục tiêu SMART là 5 chữ viết tắt của:
- Specific (Cụ thể, dễ hiểu)
- Measurable (Đo lường được)
- Achievable (Có thể đạt được)
- Relevant (Liên quan)
- Time-bound (Có thời gian hoàn thành)
Specific (Cụ thể, dễ hiểu)
Khi đặt mục tiêu, hãy cụ thể hoá những gì chúng ta muốn thực hiện. Đây có thể được xem là những tuyên bố sứ mệnh cho mục tiêu của chúng ta, cần phải rõ ràng, cụ thể và dễ hiểu. Nếu không chúng ta sẽ không tập trung nỗ lực và không có động lực để hoàn thành những mục tiêu này. Để làm cho mục tiêu trở nên cụ thể và dễ hiểu hơn, chúng ta nên áp dụng 5 câu hỏi 5W để xem xét:
- What: Tôi muốn đạt được điều gì?
- Who: Ai sẽ tham gia và thực hiện mục tiêu này?
- Where: Mục tiêu này cần đạt được ở đâu?
- When: Khi nào tôi muốn đạt được mục tiêu này?
- Why: Tại sao tôi lại muốn thực hiện mục tiêu này?
Ví dụ: Tôi muốn trở thành thành viên trong phòng tập gym tại khu vực tôi đang sinh sống và tập thể dục 3 ngày trong 1 tuần để khoẻ mạnh hơn.
Measurable (Đo lường được)
Một mục tiêu SMART phải có những tiêu chí để có thể đo lường được tiến độ thực hiện. Nếu không có những tiêu chí này, chúng ta sẽ không có cơ sở để xác định được quá trình thực hiện mục tiêu và liệu chúng ta có đang thực hiện đúng kế hoạch để đạt được mục tiêu đó hay không. Để làm mục tiêu có thể đo lường được, chúng ta có thể áp dụng tiếp các thành phần của bộ câu hỏi 5W2H:
- How: Làm cách nào để tôi biết được tôi đã đạt được mục tiêu hay chưa?
- How many/How much: Có những số lượng gì có thể đo lường hay không?
Ví dụ: Tôi muốn trở thành thành viên trong phòng tập gym tại khu vực tôi đang sinh sống và tập thể dục 3 ngày trong 1 tuần để khoẻ mạnh hơn. Mỗi tuần, tôi sẽ đặt mục tiêu giảm 0.5kg.
Achievable (Có thể đạt được)
Khi đặt mục tiêu SMART, cần chú ý đến việc liệu chúng ta có thể hoàn thành được công việc đó hay không, tính khả thi của mục tiêu đó như thế nào với nguồn lực và thời gian sẵn có. Một số câu hỏi có thể giúp chúng ta đạt được:
- Tôi có đủ nguồn lực và khả năng để đạt được mục tiêu đó hay không? Nếu không, tôi đang thiếu những gì?
- Những người khác đã hoàn thành những mục tiêu này trước đây hay chưa?
Ví dụ: Quay trở lại ví dụ trên, nếu tôi đặt mục tiêu trong vòng 1 tuần tập gym với cường độ tập 3 ngày trên 1 tuần mà có thể giảm được 5kg. Điều này là không khả thi.
Relevant (Liên quan)
Khi đặt mục tiêu chúng ta nên cân nhắc xem chúng có phù hợp với bản thân hay không. Mỗi một mục tiêu nên phù hợp với các giá trị của chúng ta, hướng đến những mục tiêu lớn hơn, lâu dài hơn. Cần phải có một lợi ích thật sự kèm theo khi đạt được những mục tiêu này.
- Đây có phải là thời điểm thích hợp để thực hiện mục tiêu hay chưa?
- Mục tiêu này có phù hợp với những nỗ lực/mục tiêu khác của tôi hay không?
- Tôi có phải là người thích hợp để thực hiện mục tiêu này hay không?
Ví dụ: Tôi muốn trở thành thành viên trong phòng tập gym tại khu vực tôi đang sinh sống và tập thể dục 3 ngày trong 1 tuần để khoẻ mạnh hơn. Mỗi tuần, tôi sẽ đặt mục tiêu giảm 0.5kg. Việc giảm cân sẽ giúp tôi giảm nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, tim mạch và có thể giúp tôi di chuyển thoải mái hơn khi đi chơi với bạn bè.
Time-bound (Có thời gian hoàn thành)
Một mục tiêu SMART phải có thời hạn, có ngày bắt đầu và ngày kết thúc rõ ràng. Nếu không có ràng buộc về thời gian, chúng ta sẽ không có cảm giác cấp bách và cần thiết phải thực hiện mục tiêu, từ đó sẽ có ít động lực hơn.
- Mục tiêu của tôi có thời hạn không? Khi nào tôi sẽ bắt đầu?
- Khi nào tôi muốn đạt được mục tiêu này?
Ví dụ: Tôi muốn trở thành thành viên trong phòng tập gym tại khu vực tôi đang sinh sống và tập thể dục 3 ngày trong 1 tuần để khoẻ mạnh hơn. Mỗi tuần, tôi sẽ đặt mục tiêu giảm 0.5kg. Việc giảm cân sẽ giúp tôi giảm nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, tim mạch và có thể giúp tôi di chuyển thoải mái hơn khi đi chơi với bạn bè. Tôi sẽ bắt đầu đi đăng ký tập luyện vào trong chiều nay, đồng thời quyết tâm tập luyện chăm chỉ trong vòng 6 tháng tới.
Tầm quan trọng của nguyên tắc xác định mục tiêu SMART
Thông thường, một cá nhân hoặc doanh nghiệp sẽ đặt những mục tiêu chung chung, mơ hồ, dẫn tới việc không có định hướng và dễ dàng thất bại khi thực hiện. Nguyên tắc xác định mục tiêu SMART sẽ giúp thúc đẩy chúng ta tiến xa hơn, mang lại sự định hướng rõ ràng trong công việc, từ đó giúp chúng ta và tổ chức có thể đạt được mục tiêu của mình.
Ưu điểm và nhược điểm
Ưu điểm
Như chúng ta thấy, SMART là nguyên tắc hiệu quả trong việc thiết lập mục tiêu rõ ràng, giúp chúng ta tập trung hơn và có động lực để đạt được mục đích bản thân. Về cơ bản, SMART là một công cụ khá dễ sử dụng, phù hợp với tất cả mọi người, mọi hoàn cảnh, không cần những công cụ phức tạp hoặc cần phải đào tạo chuyên môn mới có thể thực hiện được.
Nhược điểm
Tuy vậy, có một số ý kiến cho rằng SMART đôi khi không hiệu quả. Nguyên tắc này không phù hợp cho những mục tiêu lâu dài vì thiếu đi tính linh hoạt cần thiết, kiềm hãm sự sáng tạo cá nhân.
Nguyên tắc xác định mục tiêu SMARTER
Sau một thời gian, một vài chuyên gia đã phát triển, mở rộng nguyên tắc SMART thành nguyên tắc SMARTER, thêm 2 yếu tố Evaluated (Đánh giá) và Reviewed (Sửa đổi lại).
Evaluated (Đánh giá)
Khía cạnh thứ 6 của nguyên tắc SMARTER là mục tiêu cần phải được đánh giá liên tục. Xem xét những gì đã thực hiện hiệu quả, những gì chưa đạt như kỳ vọng, điều gì cản trở chúng ta, điều gì giúp chúng ta trong việc thực hiện mục tiêu. Nếu chúng ta đặt mục tiêu chung cho cả nhóm, thì việc có một cuộc trò chuyện thẳng thắn, cởi mở với tất cả thành viên trong nhóm là rất quan trọng.
- Kết quả đạt được là gì? Chúng ta có hài lòng với kết quả đó hay không?
- Chúng ta đã đặt đúng mục tiêu hay chưa?
- Có điều gì cản trở hoặc giúp ích cho kết quả đó hay không?
Reviewed (Sửa đổi lại)
Yếu tố cuối cùng của nguyên tắc thiết lập mục tiêu SMARTER là các mục tiêu có thể được sửa đổi lại. Tuy vậy theo nhiều người, một khi đã thiết lập mục tiêu SMART thì chúng ta không nên thay đổi. Tuy vậy mục tiêu đặt ra chưa chắc là hoàn hảo nhất, có những tình huống hoặc sự kiện xảy ra buộc chúng ta phải thay đổi.
Thông thường, việc sửa đổi mục tiêu thường diễn ra chung với quy trình Evaluated (Đánh giá). Hai giai đoạn này nên thực hiện song song với nhau, khi chúng ta đánh giá mục tiêu, chúng ta sẽ hiểu rõ mục tiêu ấy có cần phải thay đổi lại cho phù hợp hay không.
- Chúng ta nên thay đổi điều gì và giữ nguyên điều gì sau khi đánh giá mục tiêu?
- Làm thế nào để mục tiêu mới có thể đảm bảo kết quả tốt hơn lần trước?
- Chúng ta có cần phải bổ sung nguồn lực nào mới để thực hiện mục tiêu sau khi sửa đổi hay không?