Nhu cầu phái sinh là gì?
Nhu cầu phái sinh là một thuật ngữ kinh tế học, là nhu cầu đối với hàng hoá và dịch vụ cuối cùng phụ thuộc vào nhu cầu đối với tài nguyên, hàng hoá, dịch vụ trung gian. Thuật ngữ này được Alfred Marshall giới thiệu lần đầu vào năm 1890 trong cuốn sách “Principles of Economics” (tạm dịch: Các nguyên tắc kinh tế học).
Ví dụ: Sự gia tăng nhu cầu điện thoại di động sẽ dẫn đến nhu cầu pin tăng mạnh. Nhu cầu về pin tăng mạnh sẽ dẫn đến nhu cầu về Lithium tăng mạnh (Lithium được sử dụng trong pin).
Chuỗi nhu cầu phái sinh
Nhu cầu phái sinh bao gồm 3 thành phần: Nguyên liệu thô, vật liệu đã qua xử lý và thành phần lao động.
Nguyên liệu thô
Nguyên liệu thô là các nguồn lực dùng để sản xuất ra một sản phẩm.
Ví dụ: Nhu cầu về điện thoại di động tăng lên dẫn đến nhu cầu về pin cũng tăng theo. Tuy vậy để sản xuất ra pin cần có những nguyên liệu thô khác nhau, trong đó có Lithium. Như vậy nhu cầu về nguyên liệu thô Lithium sẽ tăng lên.
Vật liệu đã qua xử lý
Đây là những sản phẩm đã được xây dựng từ việc gia công, chế tạo, xử lý nguyên liệu thô.
Ví dụ: Trở lại ví dụ trên, từ nguyên liệu thô là Lithium sau khi sản xuất gia công sẽ tạo thành pin.
Thành phần lao động
Nhu cầu về lao động là nhu cầu cần thiết trong hầu hết các loại hình kinh doanh để tạo ra sản phẩm và dịch vụ. Khi nhu cầu về hàng hoá và dịch vụ tăng lên dẫn đến cần nhiều nhân lực hơn để đáp ứng được số lượng sản phẩm cần sản xuất.
Ảnh hưởng của nhu cầu phái sinh đối với nền kinh tế
Nhu cầu phái sinh không thể tự tồn tại, sinh ra và phát triển. Thay vào đó, có một nhu cầu bắt nguồn từ một giai đoạn nào đó trong chuỗi giá trị. Ví dụ như hiệu ứng gợn sóng được tạo ra khi một công ty sản xuất điện thoại thông minh có nhu cầu phát triển một loại sản phẩm mới nào đó.
Khi đó, nhu cầu của các thiết bị linh kiện điện tử (đặc biệt là những linh kiện trong điện thoại) sẽ tăng lên. Những sản phẩm khác, ví dụ như máy tính, laptop, … cũng sẽ bị ảnh hưởng do nhu cầu của các linh kiện điện tử tăng lên.
Đôi khi, nhu cầu về các yếu tố sản xuất cũng tăng lên khi nhu cầu về một thành phẩm tăng lên. Ví dụ như nếu mẫu mã điện thoại mới có nhu cầu tăng lên, thì các máy móc sản xuất của nhà máy sản xuất và lắp ráp điện thoại di động cũng tăng lên, khiến nó sẽ thường xuyên hư hỏng hơn. Khách hàng không quan tâm đến những thiết bị máy móc tại nhà máy, họ quan tâm điện thoại di động. Tuy vậy để những chiếc điện thoại này được sản xuất thì thiết bị máy móc phải hoạt động tốt. Từ đó nhu cầu về phụ tùng thay thế cho các thiết bị máy móc này cũng tăng lên.
Như vậy tổng thể, toàn bộ nền kinh tế từ địa phương cho đến quốc gia sẽ bị ảnh hưởng bởi một nhu cầu nào đó.
Các loại nhu cầu phái sinh
Có 2 loại nhu cầu phái sinh:
- Trực tiếp: Ảnh hưởng đến nguyên liệu thô được sử dụng để sản xuất hàng hoá cuối cùng. (Ví dụ như pin Lithium sẽ bị ảnh hưởng nếu nhu cầu điện thoại di động tăng lên)
- Gián tiếp: Nhu cầu về hàng hoá và dịch vụ cần thiết để sản xuất các sản phẩm có nhu cầu trực tiếp. (Ví dụ để sản xuất pin Lithium, chúng ta sẽ cần các năng lượng như xăng, khí đốt, … trong quy trình sản xuất. Hoặc khi nhu cầu về điện thoại tăng lên, dẫn đến các công ty sẽ tốn chi phí thuê mướn mặt bằng nhiều hơn, đây là nhu cầu gián tiếp)
Ngoại lệ cho nhu cầu phái sinh
Đôi khi nhu cầu phái sinh về nguyên liệu thô không thay đổi đáng kể so với sự thay đổi nhu cầu của sản phẩm cuối cùng, do độ co giãn của cầu thấp. Ngoại lệ này thường xuất hiện ở những sản phẩm được làm từ nguyên liệu thô có sẵn rộng rãi trên thị trường.
Ví dụ: Len được dùng để sản xuất áo lạnh. Trong những tháng có thời tiết lạnh thì nhu cầu về áo lạnh tăng lên, ngược lại trong mùa hè thì nhu cầu sẽ giảm. Tuy vậy, sự biến động nhu cầu của áo lạnh lại không tác động quá lớn đến nhu cầu chung của len.