Khi nhắc đến mục đích và mục tiêu của tổ chức, mọi người thường hay nghĩ đến vấn đề kiếm được lợi nhuận nhiều nhất có thể. Song song đó, một số người tin rằng các công ty nên hoạt động, kiếm được lợi nhuận một cách có đạo đức. Các hoạt động kinh doanh có đạo đức tác động sâu rộng đến mọi thứ, từ nhân viên, khách hàng, công chúng nhìn nhận về công ty, về tính hợp pháp của doanh nghiệp. Để hoạt động có đạo đức, tổ chức đôi khi có thể phải đưa ra những quyết định khó khăn, thông thường sẽ liên quan đến các chủ đề gây tranh cãi.
Đạo đức trong kinh doanh
Đạo đức là những nguyên tắc điều chỉnh hành vi của chúng ta, đảm bảo mọi người thực hiện những điều đúng đắn. Do đó, đạo đức trong kinh doanh là một tập hợp các nguyên tắc chi phối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cụ thể là chúng quan tâm đến các khía cạnh nhân viên, khách hàng, các bên liên quan cũng như toàn xã hội.
Những lợi ích của đạo đức trong kinh doanh
Có thể nói đạo đức trong kinh doanh có rất nhiều lợi ích, đặc biệt là trong dài hạn. Ví dụ như, nhân viên tại các công ty có đạo đức kinh doanh tốt có xu hướng được thúc đẩy nhiều hơn, họ sẵn sàng cống hiến cho tổ chức, dẫn đến năng suất cao hơn. Từ đó, việc thu hút nguồn nhân lực cũng sẽ dễ dàng hơn cho tổ chức. Ngoài ra, khách hàng cũng sẽ sẵn sàng mua hàng từ các công ty có đao đức kinh doanh tốt, dẫn đến lòng trung thành thương hiệu, doanh số bán hàng cao hơn và đạt được lợi nhuận lớn hơn. Sau đây chúng ta sẽ cùng nhau xem xét một vài những lợi ích của đạo đức trong kinh doanh.
Giữ chân khách hàng
Khách hàng ngày nay càng ngày càng ưa chuộng những nhà cung cấp và doanh nghiệp thể hiện được trách nhiệm với cộng đồng, có đạo đức kinh doanh tốt. Điều này có nghĩa, những công ty không tập trung vào vấn đề đạo đức sẽ dễ dàng đánh mất thị phần và danh tiếng cũng sẽ bị thu hẹp, dẫn đến doanh thu và lợi nhuận bị sụt giảm.
Trong cuộc khảo sát của Unilever cho thấy, 1/3 người dùng (33%) chọn mua hàng từ các thương hiệu đang tạo ra tác động tích cực đến xã hội hoặc môi trường. Họ sẽ cảm thấy tốt hơn khi quyết định chi tiêu nếu họ biết được sản phẩm được sản xuất một cách có đạo đức và có trách nhiệm.
Như vậy, đối với khách hàng, những doanh nghiệp có những hoạt động đạo đức trong kinh doanh tốt sẽ gia tăng lòng trung thành của khách hàng, nâng cao hình ảnh thương hiệu, khiến cho các quyết định mua hàng của họ dễ dàng thực hiện hơn. Có thể thấy các doanh nghiệp này càng hoạt động có đạo đức bao nhiêu, sẽ nâng cao hiệu quả kinh doanh tổng thể bấy nhiêu, đặc biệt là cải thiện được các lợi thế cạnh tranh, dẫn đến lợi nhuận cao hơn.
Giữ chân nhân viên
Nhân viên giỏi nhất luôn muốn làm việc cho những doanh nghiệp thật sự có trách nhiệm, có đạo đức. Ngược lại, nếu doanh nghiệp ít có những hoạt động mang tính đạo đức, những nhân viên giỏi sẽ rời bỏ tổ chức, đồng thời làm giảm khả năng thu hút những nhân tài mới. Khi đó, chi phí tuyển dụng sẽ được đẩy lên cao, dẫn tới hiệu quả, hiệu suất và lợi nhuận bị sụt giảm. Đồng thời, những tổ chức như vậy không thể nào hoạt động tốt khi thiếu đi những nhân sự giỏi. Chúng ta có thể thấy ngày nay, mức độ tin tưởng vào đạo đức của tổ chức và lãnh đạo ngày càng suy giảm, dẫn đến việc mức độ trung thành của nhân viên thấp (trên toàn thế giới).
Có 3 yếu tố chính khiến cho nhân viên quan tâm, các doanh nghiệp cần phải đáp ứng các yếu tố này để xây dựng văn hoá tổ chức bền chặt, trung thành hơn:
- Sự công bằng trong công việc
- Sự quan tâm và lo lắng cho nhân viên
- Tin tưởng vào nhân viên
Để đạt được những mục tiêu này, các vấn đề đạo đức nên được các tổ chức xem xét kỹ khi đưa ra các quyết định của mình.
Năng suất của nhân viên
Trong cuộc khảo sát 2.000 người Anh trong năm 2015 cho thấy, 36% nhân viên sẽ làm việc chăm chỉ hơn nếu họ biết công ty của mình có những cống hiến, giúp ích cho xã hội. Song song đó, có 62% những người thế hệ trẻ (sinh năm 1981 đến năm 1996) muốn làm việc trong những công ty có đạo đức kinh doanh tốt.
Như vậy có thể thấy, chúng ta đều mong muốn làm việc trong một tổ chức có tính toàn vẹn cao, có trách nhiệm với xã hội. Chúng ta sẽ hạnh phúc hơn, làm việc hiệu quả hơn, sẵn sàng cống hiến cho tổ chức ấy. Ngược lại, khi chúng ta bị căng thẳng sẽ dẫn đến năng suất kém hơn, mất nhiều thời gian cho công việc hơn, cần quản lý nhiều hơn, …
Ngoài ra, trong một môi trường làm việc có yếu tố đạo đức kinh doanh cao, chúng ta sẽ tập trung vào công việc, ít dành thời gian hơn cho các cuộc chiến nội bộ. Vì vậy, các nhân viên sẽ có nhiều thời gian và sức lực hơn để phục vụ khách hàng, từ đó hoạt động sẽ hiệu quả hơn.
Danh tiếng của tổ chức
Có thể nói danh tiếng của một tổ chức cần được xây dựng trong một khoảng thời gian rất dài, có thể vài năm, vài thập kỷ, tuy vậy chỉ cần một vấn đề bê bối có thể phá huỷ tất cả. Tuy vậy, các tổ chức có trách nhiệm, đạo đức kinh doanh thường ít xảy ra các tình trạng bê bối và thảm hoạ như thế này. Nếu điều đó có xảy ra đi chăng nữa, một tổ chức có trách nhiệm đạo đức sẽ tự động biết cách giải quyết một cách nhanh chóng, công khai và trung thực. Con người chúng ta có xu hướng tha thứ cho những người, những doanh nghiệp thật sự cố gắng làm những điều đúng đắn, cống hiến cho xã hội.
Ngày trước, các tổ chức, nhà quản trị, nhà lãnh đạo có thể giấu công chúng những việc họ đang làm. Tuy vậy trong thời đại mạng xã hội rộng khắp như hiện này, chỉ một vấn đề nhỏ thôi cũng có thể khiến cho doanh nghiệp gặp rắc rối ngay lập tức. Như vậy các tổ chức chỉ có 2 cách để giải quyết vấn đề này, một là không nên làm những điều không đúng, hai là đề cao vai trò của đạo đức kinh doanh.
Thu hút các nhà đầu tư tiềm năng
Rất ít nhà đầu tư nào muốn bỏ tiền vào những tổ chức thiếu tính chính trực và trách nhiệm, bởi vì họ biết rằng hiệu quả cuối cùng rồi cũng sẽ giảm đi nếu thiếu đạo đức kinh doanh. Như vậy, ai mà muốn đầu tư vào những thất bại có thể thấy được trước mắt chứ?
Ngược lại, các nhà đầu tư sẽ cảm thấy an toàn khi đầu tư vào những doanh nghiệp có đạo đức kinh doanh tốt, họ biết rằng đồng tiền của họ đang được sử dụng một cách có trách nhiệm, họ khong gián tiếp góp phần vào các hoạt động phi đạo đức. Như vậy, đây rõ ràng là một lợi thế, các nhà đầu tư nhiều khả năng hơn sẽ tiếp tục tài trợ cho các công ty như thế này.
Xã hội tốt hơn
Đạo đức kinh doanh có lợi cho công ty bằng cách thu hút khách hàng, nhà đầu tư, nhân viên, … Tuy vậy đây chưa phải là tất cả. Khi một doanh nghiệp quan tâm đến đạo đức, toàn thể xã hội sẽ trở nên tốt hơn. Điều này cũng có nghĩa rằng, khách hàng, người tiêu dùng sẽ được sống trong một thế giới tốt đẹp hơn, họ bắt đầu nhận thức rõ hơn về đạo đức kinh doanh, tiếp tục lựa chọn các công ty đề cao đạo đức mạnh mẽ. Tương tự như vậy, nhà đầu tư, nhân viên của tổ chức cũng sẽ tiếp tục mong muốn hợp tác và làm việc trong những môi trường như thế này. Các lợi ích sẽ tiếp tục được thúc đẩy thêm theo thời gian.