Phân tích SWOT12 phút đọc

Phân tích SWOT

Phân tích SWOT dùng để đánh giá vị thế hiện tại của doanh nghiệp trước khi triển khai các kế hoạch chiến lược. Theo đó, công ty sẽ đánh giá được các yếu tố bên trong và bên ngoài cũng như tiềm năng doanh nghiệp hiện tại và trong tương lai. Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ đi khám phá xem phân tích SWOT là gì, cách thức hiện và cách áp dụng lợi ích một cách tối đa.

Phân tích SWOT là gì?

SWOT là viết tắt của Strengths (điểm mạnh), Weaknesses (điểm yếu), Opportunities (cơ hội) và Threats (thách thức). Phân tích SWOT là kỹ thuật dùng 4 khía cạnh này để đánh giá doanh nghiệp.

Chúng ta có thể sử dụng công cụ này để tận dụng tối đa những gì công ty đang có, từ đó mang lại lợi thế tối đa cho tổ chức. Đồng thời có thể giảm thiểu khả năng thất bại bằng cách hiểu được chúng ta đang thiếu những gì, loại bỏ những mối nguy hiểm đến doanh nghiệp.

Phân tích SWOT hiện nay không chỉ được sử dụng trong doanh nghiệp, mà nó còn được rộng rãi trong các tổ chức chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, cá nhân, …

Cách thực hiện phân tích SWOT

SWOT được thể hiện trong một hình vuông, chia thành 4 ô vuông nhỏ bên trong, mỗi ô đại diện cho từng yếu tố của SWOT.

Đầu tiên là bước tự đánh giá. Sử dụng phương pháp Brainstorming giữa các thành viên trong tổ chức từ nhiều bộ phận, cấp độ khác nhau. Xây dựng ý tưởng về vị trí hiện tại của tổ chức mình, từ đó xác định điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và đe doạ, điền vào 4 ô vuông trong phân tích SWOT.

Để cho dễ hình dung, chúng ta có thể xem xét Strengths (điểm mạnh) và Weaknesses (điểm yếu) là các yếu tố bên trong doanh nghiệp, tức là liên quan tới tổ chức, tài sản, quy trình, con người, … của công ty. Còn Opportunities (cơ hội) và Threats (thách thức) là các yếu tố bên ngoài, phát sinh từ thị trường, đối thủ cạnh tranh và toàn bộ nền kinh tế.

a. Strengths (Điểm mạnh)
  • Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp là gì?
  • Doanh nghiệp có nguồn lực nào?
  • Sản phẩm nào hiệu quả trên thị trường?

Điểm mạnh mô tả những yếu tố mà giúp cho doanh nghiệp đặc biệt làm tốt. Ngoài ra, còn những điều gì giúp công ty khác biệt và vượt trội hơn so với đối thủ cạnh tranh. Ví dụ: thương hiệu mạnh, công nghệ độc quyền, nhiều khách hàng trung thành, bảng cân đối kế toán mạnh, …

Đôi khi doanh nghiệp cần phải xác định và phân tích Điểm bán hàng độc nhất (Unique Selling Proposition – USP) của mình và thêm vào trong phần Điểm mạnh.

Một vài câu hỏi doanh nghiệp cần phải tự trả lời để xác định được điểm mạnh rõ hơn:

  • Công ty làm tốt hơn các đối thủ cạnh tranh ở điểm nào?
  • Điểm bán hàng độc nhất (USP) của công ty là gì?
  • Thị trường, khách hàng, đối thủ cạnh tranh đánh giá thế mạnh của công ty bạn gồm những yếu tố nào?
b. Weaknesses (Điểm yếu)
  • Doanh nghiệp có thể cải thiện vấn đề gì?
  • Sản phẩm nào đang hoạt động kém hiệu quả
  • Tổ chức thiếu nguồn lực nào?

Điểm yếu, cũng giống như điểm mạnh, là đặc điểm vốn có của một doanh nghiệp, vì vậy hãy tập trung những vấn đề xung quanh con người, nguồn lực, hệ thống, … của công ty. Đây là những yếu tố mà doanh nghiệp cần cải thiện để duy trì khả năng cạnh tranh của mình. Ví dụ: thương hiệu yếu, doanh thu thấp hơn doanh thu bình quân trong ngành, nợ nhiều, chuỗi cung ứng không đầy đủ, thiếu vốn, thiếu nguồn lực, …

Một số câu hỏi giúp doanh nghiệp xác định được điểu yếu của mình:

  • Yếu tố nào khiến cho doanh thu bị sụt giảm?
  • Quy trình hoạt động nào mà công ty có thể cải thiện?
  • Thị trường, khách hàng, đối thủ cạnh tranh đánh giá điểm yếu của công ty bạn gồm những yếu tố nào?
c. Opportunities (Cơ hội)
  • Doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ nào để cải thiện hoạt động?
  • Doanh nghiệp có thể mở rộng hoạt động cốt lõi của mình không?
  • Doanh nghiệp có thể thâm nhập vào phân đoạn thị trường mới nào?

Cơ hội đề cập tới các yếu tố bên ngoài tổ chức mà có thể mang lại lợi thế cạnh tranh. Những yếu tố này có thể xuất hiện trên thị trường hoặc từ yếu tố công nghệ. Việc phát hiện được các yếu tố này và có thể khai thác được chúng có thể tạo ra sự khác biệt cho khả năng cạnh tranh, đôi khi giúp cho doanh nghiệp dẫn đầu thị trường. Ví dụ: thay đổi về chính sách thuế của nhà nước, thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu, nắm bắt được 1 công nghệ độc quyền có thể phát triển mạnh trong tương lai, …

Một số câu hỏi giúp doanh nghiệp có thể nắm bắt được yếu tố cơ hội:

  • Xu hướng kinh doanh sắp tới là gì?
  • Sự phát triển, thay đổi công nghệ hoặc từ các chính sách nhà nước liệu có mang lại cơ hội hữu ích gì không?
d. Threats (Thách thức)
  • Có những quy định nào đe doạ hoạt động của doanh nghiệp không?
  • Đối thủ cạnh tranh đang làm tốt về phương diện nào?
  • Những xu hướng tiêu dùng nào có thể đe doạ tình hình kinh doanh?

Các mối đe doạ, thách thức bao gồm bất kỳ điều gì từ phía bên ngoài tổ chức có thể ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp. Điều quan trọng là chúng ta phải lường trước được các mối đe doạ này và hành động trước khi chúng biến thành mối nguy hiểm cho sự phát triển của công ty. Ví dụ: thiên tai, hạn hán, lũ lụt ảnh hưởng tới nông nghiệp, chi phí nguyên vật liệu gia tăng, đối thủ cạnh tranh ngày càng nhiều, nguồn cung lao động khan hiếm, …

Một vài câu hỏi doanh nghiệp cần phải tự trả lời để xác định các thách thức, đe doạ của mình:

  • Các đối thủ cạnh tranh đang có những hoạt động gì?
  • Sự thay đổi công nghệ có đe doạ đến vị thế công ty hay không?
  • Doanh nghiệp có khoản nợ xấu hoặc các vấn đề liên quan đến dòng tiền hay không?

Áp dụng phân tích SWOT

Sau khi chúng ta phân tích 4 yếu tố của SWOT, doanh nghiệp cần phải đưa ra các chiến lược, hành động cụ thể cần thực hiện. Để làm được như vậy, đầu tiên chúng ta cần kết nối 4 yếu tố này lại với nhau. Ví dụ, liệu doanh nghiệp có thể sử dụng điểm mạnh của mình để có thể mở rộng ra nhiều cơ hội hơn nữa hay không. Hoặc có thêm nhiều cơ hội hơn khi giảm bớt một số điểm yếu của doanh nghiệp, …

Từ 4 yếu tố của SWOT, chúng ta có thể xây dựng lên 4 nhóm chiến lược khác nhau:

  • Chiến lược SO (Điểm mạnh – Cơ hội): Chúng ta có thể sử dụng thế mạnh của mình như thế nào để tận dụng tối đa các cơ hội?
  • Chiến lược ST (Điểm mạnh – Thách thức): Chúng ta có thể sử dụng thế mạnh của mình như thế nào để tránh và loại bỏ các mối đe doạ?
  • Chiến lược WO (Điểm yếu – Cơ hội): Chúng ta có thể sử dụng cơ hội của mình như thế nào để khắc phục những nhược điểm mà doanh nghiệp đang gặp phải?
  • Chiến lược WT (Điểm yếu – Thách thức): Làm thế nào để chúng ta có thể giảm thiểu những yếu điểm của mình, đồng thời tránh được các mối đe doạ, thách thức?
Phân tích SWOT Strengths (Điểm mạnh) Weaknesses (Điểm yếu)
Opportunities (Cơ hội)
Chiến lược S-O: Sử dụng thế mạnh của doanh nghiệp để tận dụng tối đa các cơ hội
Chiến lược W-O: Sử dụng cơ hội của doanh nghiệp để khắc phục những nhược điểm mà doanh nghiệp đang gặp phải
Threats (Thách thức)
Chiến lược S-T: Sử dụng thế mạnh của doanh nghiệp để tránh và loại bỏ các mối đe doạ
Chiến lược W-T: Giảm thiểu những yếu điểm của doanh nghiệp, đồng thời tránh được các mối đe doạ thách thức

Sau khi đưa ra hàng loạt các ý tưởng về các kết hợp, đến lúc này doanh nghiệp nên phân loại, sắp xếp thứ tự ưu tiên các ý tưởng trên. Từ đó đưa ra các chiến lược, kế hoạch hành động ngắn và dài hạn. Đồng thời, chia nhỏ các chiến lược, kế hoạch này thành các chiến lược và mục tiêu nhỏ hơn (ví dụ: chiến lược chuyên biệt cho từng sản phẩm, từng phòng ban, từng khu vực bán hàng, …)

Nâng cao hơn nữa, doanh nghiệp nên sử dụng phân tích SWOT kết hợp với các công cụ chiến lược khác. Ví dụ như phân tích USP hoặc phân tích năng lực cốt lõi (Core Competencies Analysis), … từ đó có được bức tranh toàn cảnh về các tình huống mà doanh nghiệp có thể gặp phải.

Một gợi ý để dễ dàng phân tích và nhận định hơn là chúng ta sẽ chia bảng SWOT thành 2 phần bên trong (Điểm mạnh và điểm yếu) và bên ngoài (Cơ hội và thách thức).

Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời kinhtequantri một ly cà phê nhé!

By admin
0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
%d bloggers like this: