Phương pháp phỏng vấn STAR – STAR Method8 phút đọc

Phương pháp phỏng vấn STAR - STAR Method

Đa phần mọi người đều sẽ gặp khó khăn trong việc trả lời các câu hỏi phỏng vấn. Hoặc chúng ta muốn chia sẻ về những điểm mạnh, thành tích của mình nhưng không muốn tỏ ra phô trương và khoe khoang, nhưng không biết phải nói thế nào. Làm thế nào để nhà tuyển dụng biết được rằng chúng ta là người phù hợp cho vị trí công việc đang tuyển dụng?

Trong những trường hợp trên, phương pháp trả lời phỏng vấn STAR có thể giúp ích cho chúng ta. Bằng cách sử dụng phương pháp này, chúng ta có thể đưa ra các ví dụ cụ thể, bằng chứng cho những kinh nghiệm và kỹ năng phù hợp với công việc hiện tại, chia sẻ những tình huống trong thực tế về cách thức chúng ta xử lý tình huống trong công việc cho nhà tuyển dụng biết.

Phương pháp phỏng vấn STAR

STAR là viết tắt của Situation (tình huống), Task (nhiệm vụ), Action (hành động) và Result (kết quả). Phương pháp phỏng vấn STAR thường dùng để trả lời các câu hỏi hành vi nhằm xác định năng lực của ứng viên.

Theo đó, nhà tuyển dụng thường đặt các câu hỏi dựa trên hành vi để hiểu cách chúng ta đã đối phó và xử lý các vấn đề, thách thức trong quá khứ như thế nào, từ đó dự đoán cách ta sẽ phản ứng với tình huống tại doanh nghiệp của họ. Ngoài ra, nhà tuyển dụng còn dùng các câu hỏi dựa trên hành vi này để đánh giá các kỹ năng và phẩm chất của ứng viên có phù hợp với vị trí công việc hay không.

Những câu hỏi dựa trên hành vi rất dễ nhận ra, thông thường câu hỏi này được mở đầu:

  • Kể cho tôi nghe về khoảng thời gian khi …
  • Bạn làm gì khi …
  • Bạn có bao giờ …
  • Hãy cho tôi một ví dụ về …
  • Mô tả một …
Situation (Tình huống)

Trong bước đầu tiên, mô tả bối cảnh mà chúng ta đã thực hiện công việc hoặc đối mặt với một thách thức trong công việc. Mục tiêu của chúng ta là vẽ ra một bức tranh rõ ràng về tình huống đã gặp phải và nhấn mạnh sự phức tạp của nó. Tập trung vào những gì cần thiết, không nên quá dài dòng và đưa nhiều chi tiết dư thừa không cần thiết.

Ví dụ: “Hãy kể cho tôi nghe về khoảng thời gian mà bạn đạt được một mục tiêu mà ban đầu bạn nghĩ là công việc đó ngoài sức đối với bạn”. Chúng ta có thể trả lời: “Trước đây, công ty tôi đã quyết định tập trung vào chiến dịch email marketing và chúng tôi đã phải tìm cách tăng số lượng danh sách khách hàng đăng ký email”.

Task (Nhiệm vụ)

Tiếp theo, chúng ta hãy mô tả trách nhiệm công việc của mình trong tình huống đó. Một lần nữa, hãy nhớ càng đưa chi tiết ngắn gọn nhưng đầy đủ càng tốt, cố gắng tránh lan man dư thừa.

Ví dụ: “Với trách nhiệm là một người quản lý đội nhóm Email Marketing, mục tiêu của tôi là tăng danh sách số lượng email khách hàng đăng ký lên ít nhất 50% trong một tháng.”

Action (Hành động)

Bây giờ chúng ta đã cho nhà tuyển dụng biết nhiệm vụ của mình là gì, đã đến lúc giải thích những gì chúng ta đã thực hiện. Chúng ta đã làm những gì để đạt được mục tiêu đó, chúng ta đã giải quyết tình huống khó khăn đó như thế nào? Đây là cơ hội để thể hiện sự đóng góp của bản thân, vì vậy hãy cung cấp thông tin chính xác những gì chúng ta đã thực hiện. Trong bước này, ta nên tập trung vào những gì bản thân mình làm hơn là những gì đội nhóm, sếp, đồng nghiệp, … chúng ta đã làm.

Ví dụ: “Tôi bắt đầu xem lại các bài quảng cáo cũ, từ đó sửa đổi và cải thiện nội dung hơn nhằm khuyến khích khách hàng đăng ký email nhiều hơn. Tiếp theo, tôi lên kế hoạch và tổ chức các buổi trao đổi online, yêu cầu khách hàng đăng ký để có thể tham gia, từ đó thu hút được số lượng email khách hàng đăng ký nhiều hơn.”

Result (Kết quả)

Cuối cùng, đưa ra các kết quả đã thực hiện được, đặc biệt nhấn mạnh những gì chúng ta đã hoàn thành, những gì chúng ta học hỏi và rút ra kinh nghiệm từ công việc đấy. Hãy nhớ rằng, nhà tuyển dụng không chỉ quan tâm đến những công việc chúng ta đã thực hiện, họ còn muốn biết tại sao nó lại quan trọng. Vì vậy, nếu được hãy cố gắng đưa ra các kết quả có thể định lường được, những con số có tác động rất lớn đến tính quan trọng của kết quả công việc.

Ví dụ: “Nhờ thực hiện tốt công việc, tôi đã có thể tăng danh sách khách hàng đăng ký email từ 5.000 người lên đến 8.000 người đăng ký trong 1 tháng, vượt 10% so với mục tiêu tôi đề ra.”

Chuẩn bị phỏng vấn bằng cách sử dụng phương pháp STAR

Lập danh sách các tiêu chuẩn công việc

Đầu tiên, hãy lập danh sách các kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết cho công việc đang ứng tuyển. Chúng ta có thể tham khảo thêm từ các công việc tương tự, tìm kiếm trên mạng Internet, đồng thời có thể tự suy nghĩ ra.

Tạo danh sách các ví dụ

Ứng với những kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết trong danh sách ấy, hãy đưa ra từng ví dụ cụ thể. Lưu ý đối với mỗi ví dụ, chúng ta cần áp dụng phương pháp STAR vào.

Tìm ra điểm mạnh, điểm yếu mỗi người

Nếu chúng ta là người quản lý, trưởng nhóm, phụ trách đào tạo, … chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng phương pháp STAR để hỗ trợ mọi người nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của mình, từ đó thúc đẩy sự tự tin và phát triển bản thân họ.

Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời kinhtequantri một ly cà phê nhé!

By admin
0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
%d bloggers like this: