Quy tắc quản lý tài chính 6 chiếc lọ – The 6 Jars System9 phút đọc

6 chiếc lọ - 6 Jars System

Quy tắc 6 chiếc lọ

Quy tắc 6 chiếc lọ được T. Harv Eker lần đầu giới thiệu trong cuốn sách “Secrets of the Millionaire Mind” (Bí mật tư duy triệu phú). Ông đã phát triển quy tắc quản lý 6 chiếc lọ của mình sau khi thất bại trong việc quản lý tài chính. Eker nhận ra thất bại của mình là do kỹ năng quản lý tiền bạc kém và có một vài khoản đầu tư không được tốt. Sau đó, ông bắt đầu xem xét các quan điểm khác nhau về tài chính và sự giàu có, bắt tay vào việc thực hiện kế hoạch chi tiết cho sự độc lập tài chính. Eker khẳng định rằng sự khác biệt lớn nhất giữa thành công và thất bại về tài chính là cách bạn quản lý tài sản của mình tốt như thế nào.

Về cơ bản quy tắc quản lý tài chính 6 chiếc lọ khá đơn giản và dễ hiểu, chúng ta chia túi tiền của mình vào 6 chiếc lọ khác nhau. Mỗi chiếc lọ này phục vụ cho 1 mục đích cụ thể, tất cả đều hướng đến việc đạt được tự do tài chính. Theo đó, chúng ta nên chia các khoản thu nhập của mình vào mỗi chiếc lọ, số tiền ban đầu bao nhiêu không quan trọng. Đồng thời Eker cũng đưa ra các tỷ lệ phần trăm làm kim chỉ nam cho mọi người, tuy vậy chúng ta có thể điều chỉnh tỷ lệ này dựa theo tình trạng cá nhân hiện tại.

Lọ số 1: Nhu cầu thiết yếu ( Necessity Account – NEC – 55%)

Số tiền trong lọ này dùng để quản lý các chi phí và hoá đơn hàng ngày. Đây là những nhu cầu thiết yếu, vì vậy thông thường chúng ta sẽ dành nhiều tiền vào lọ này. Về cơ bản, lọ số 1 để đảm bảo rằng chúng ta có thể chi trả mọi thứ cần thiết để có thể sinh hoạt từ ngày này sang ngày khác. Bất kể chúng ta kiếm được bao nhiêu tiền trong 1 tháng, chỉ cần bỏ 55% số tiền đó vào lọ này. Đôi khi một số người sẽ cảm thấy khó duy trì cuộc sống trong phạm vi tỷ lệ phần trăm này, tuy vậy chúng ta nên tuân theo những nguyên tắc định ra từ ban đầu, thực hiện các chiến lược để giảm chi tiêu.

Ví dụ: tiền thuê nhà, khoản vay thế chấp, hoá đơn, thực phẩm, quần áo, điện nước, phương tiện đi lại, trả nợ, …

Lọ số 2: Hưởng thụ (Play Account – PLY – 10%)

Lọ số 2 được sử dụng để phục vụ các mục đích vui chơi, giải trí, nuôi dưỡng bản thân. Eker tin rằng để đạt được tự do tài chính, tâm hồn chúng ta cần phải được vui vẻ, thoải mái, thoả mãn sức khoẻ tinh thần để có năng lượng làm việc tốt hơn. Toàn bộ mục đích của lọ số 2 là mang lại niềm vui cho chính bản thân chúng ta, tuy vậy nên cẩn thận, chúng ta chỉ được phép sử dụng tối đa 10% khoản thu nhập hàng tháng để hưởng thụ.

Ví dụ: một bữa ăn xa hoa với bạn bè và gia đình, giải trí, mua sắm, nghỉ ngơi cuối tuần, …

Lọ số 3: Quỹ tự do tài chính (Financial Freedom Account – FFA – 10%)

Lọ số 3 rất quan trọng, chiếc lọ này giúp chúng ta tiết kiệm và đạt được tự do tài chính trong tương lai. Số tiền chúng ta bỏ vào chiếc lọ này chỉ được sử dụng để đầu tư, xây dựng các nguồn thu nhập thụ động. Tuyệt đối không bao giờ cho phép bản thân chi tiêu số tiền trong chiếc lọ này. Đôi khi chúng ta có thể chuyển phần lợi nhuận từ hoạt động đầu tư trong chiếc lọ này sang các lọ khác (tuy vậy cũng nên hạn chế, trừ khi có những việc bất khả kháng), nhưng hãy nhớ điều quan trọng nhất là không được chi tiêu số tiền gốc trong lọ số 3 này.

Ví dụ: Đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, gửi tiền vào ngân hàng, … bất cứ nguồn nào để giúp chúng ta tạo ra các nguồn thu nhập thụ động.

Lọ số 4: Giáo dục đào tạo (Education Account – EDU – 10%)

Chúng ta cần trích ra 10% thu nhập mỗi tháng để trau dồi kiến thức, phát triển bản thân mỗi ngày. Nên nhớ đầu tư vào bản thân là cách thức tốt nhất trong các mục đích chi tiêu, không bao giờ được coi là lãng phí cả. Kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng là tài sản quý giá nhất của chúng ta. Tuy vậy ở đây có một điều lưu ý, nếu chúng ta đang là sinh viên, thì tiền học phí không phải nằm ở trong chiếc lọ này, mà nằm ở lọ số 1 – Nhu cầu thiết yếu.

Ví dụ: sách vở, các khoá học trực tuyến, tham dự các buổi hội thảo, …

Lọ số 5: Tiết kiệm dài hạn (Long-term saving for spending Account – LTS – 10%)

Chúng ta bao giờ cũng cần phải có một khoản tiền tiết kiệm. Số tiền này nhằm phục vụ cho các mục tiêu lâu dài, ví dụ như thực hiện ước mơ, chuẩn bị cho cuộc sống về hưu sau này, hoặc dành cho những trường hợp khẩn cấp. Nếu chúng ta gặp những trường hợp đột xuất phải cần chi tiêu một khoản tiền, thì chiếc lọ này sẽ giúp bảo vệ số tiền trong các lọ khác. Chiếc lọ số 5 này rất quan trọng, mặc dù khoản tiền này không giúp chúng ta trở nên giàu có trong vòng một đêm, tuy vậy sau một thời gian chúng ta sẽ bất ngờ về khả năng tiết kiệm của mình.

Ví dụ: đi du lịch cùng gia đình và bạn bè trong kỳ nghỉ sắp tới, mua một căn nhà, mua xe hơi, chuẩn bị tiền vào đại học cho con cái, …

Lọ số 6: Từ thiện (Give Account – GIV – 5%)

Lọ cuối cùng nên được dùng để làm từ thiện, làm những công việc tốt. Khi đạt được sự độc lập tài chính, chúng ta sẽ có trách nhiệm giúp đỡ những người khó khăn hơn. Eker tin rằng bằng cách cho đi, sau đó chúng ta sẽ được nhận lại nhiều hơn. Nếu chúng ta vẫn còn khó khăn trong cuộc sống, hãy dành 5% số tiền trọng chiếc lọ này cho chính gia đình mình. Nên nhớ số lượng không quan trọng, hành động mới đem lại ý nghĩa. Khi chúng ta cho đi, chúng ta cũng sẽ nhận lại được cảm giác hạnh phúc và vui vẻ.

Ví dụ: mua quà tặng cho bạn bè, người thân, làm từ thiện, tham gia các hoạt động tình nguyện, …

Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời kinhtequantri một ly cà phê nhé!

By admin
0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
%d bloggers like this: