Một vài so sánh giữa 2 lý thuyết
Thông qua những nghiên cứu của mình, Maslow và Herzberg đã phát triển các lý thuyết về động lực riêng cho mình, hiện nay đều được công nhận và áp dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Tuy cả 2 học thuyết này có phần khác nhau về cách được áp dụng, tuy vậy nhiều người xem cả 2 học thuyết này có những nét tương đồng với nhau. Điểm giống nhau đầu tiên phải công nhận, chính là để tạo ra được động lực cao thì mỗi người trong chúng ta phải đáp ứng được một số yếu tố nhất định.
Abraham Maslow thiết lập một tháp nhu cầu, trong đó nhu cầu của con người được sắp xếp theo thứ tự mức độ. Càng đi xuống dưới đáy tháp là những nhu cầu thấp nhất, càng đi lên là những nhu cầu cao hơn (đồng thời cũng sẽ khó đạt được hơn. Frederick Herzberg cho rằng một nhân viên hài lòng trong công việc, họ phải đáp ứng được hai nhân tố: nhân tố duy trì và nhân tố tạo động lực.
Tháp nhu cầu của Maslow có thể được chia làm 2 cấp độ nhu cầu khác nhau, tương tự như thuyết hai nhân tố của Herzberg:
- Những nhu cầu cơ bản nhất là nhu cầu sinh lý, nhu cảu về an toàn, nhu cầu về xã hội. So với thuyết hai nhân tố của Herzberg, đây là những nhân tố duy trì, bao gồm các yếu tố chính sách, lương bổng, an toàn, đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới, môi trường làm việc, đời sống cá nhân.
- Những nhu cầu cao hơn chính là nhu cầu được quý trọng, nhu cầu được thể hiện mình. Đối với thuyết hai nhân tố của Herzberg, sau khi đạt được nhân tố duy trì, các nhân viên cần có được những nhân tố tạo động lực để từ đó hài lòng hơn trong công việc.
Chúng ta có thể xem hình sau để hiểu rõ hơn về sự so sánh, điểm tương đồng của 2 học thuyết này.

Để đánh giá đúng bản chất hơn, hãy xét lại mô hình tháp nhu cầu của Maslow lại. Theo tháp nhu cầu của Maslow, các nhu cầu cần phải được đáp ứng từ thấp lên cao (có nghĩa là đáp ứng từ dưới lên trên). Điều này có nghĩa, các nhu cầu cấp thấp phải đạt được, sau đó con người chúng ta mới suy nghĩ đến những nhu cầu cao cấp hơn.
Nhu cầu sinh lý, nhu cầu về an toàn và nhân tố duy trì
Nhu cầu sinh lý được thể hiện trong việc con người cần ăn, uống, ngủ, thở, nghỉ ngơi, … Đây là những nhu cầu cần thiết để chúng ta có thể tồn tại và làm việc. Nhu cầu an toàn bao gồm những cảm giác an toàn, ví dụ như nơi ở, cảm giác an toàn trong công việc, không bị nguy hiểm, … Trong thuyết hai nhân tố của Heizberg, các yếu tố như đời sống cá nhân, an toàn, môi trường làm việc có thể đáp ứng được nhu cầu sinh lý và an toàn.
- Nhà quản trị có thể cho nhân viên thời gian nghỉ ngơi thích hợp, trong đó các nhu cầu về sinh lý có thể được đáp ứng một cách dễ dàng.
- Với sự giám sát, các chính sách của công ty, nhà quản trị có thể đóng vai trò là người hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ sự tiến bộ của nhân viên, mang lại cho họ cảm giác được hỗ trợ tốt.
- Môi trường làm việc sẽ giúp nhân viên cảm thấy họ được an toàn. Ví dụ như tránh được những nguy hiểm về thể chất.
- Lương thưởng cạnh tranh có thể hỗ trợ nhân viên đáp ứng được cuộc sống hàng ngày, đảm bảo cho họ đạt được nhu cầu sinh lý (có tiền mua thức ăn, nước uống, …) và nhu cầu về an toàn (trang trải cuộc sống, tiền thuê nhà, …).
Nhu cầu về xã hội và nhân tố duy trì
Sau khi đáp ứng được nhu cầu sinh lý và an toàn, con người sẽ mong muốn có được các mối quan hệ, tình cảm, đây chính là nhu cầu về xã hội. So sánh với thuyết hai nhân tố của Herzberg, mối quan hệ với đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới chính là những nhân tố duy trì cần thiết
Nhu cầu được quý trọng, nhu cầu được thể hiện mình và nhân tố tạo động lực
Con người chúng ta khi đã đáp ứng được các nhu cầu cơ bản trên, duy trì được động lực cần thiết, tiếp theo chúng ta mong muốn được mọi người quý trọng, thể hiện được bản thân. Để đạt được những điều này, mỗi nhân viên cần phải tự hoàn thiện bản thân, phát triển kiến thức và kỹ năng cần thiết, từ đó thể hiện bản thân ở những công việc đầy phức tạp và có tính thách thức cao. Cuối cùng, chính bản thân họ sẽ nhận ra được sự thú vị trong công việc, cảm thấy chính họ có sự tiến bộ trong công việc, đôi khi được nhà quản trị quý trọng và cân nhắc cho việc thăng tiến.
So sánh tháp nhu cầu Maslow với thuyết hai nhân tố Herzberg
Điểm tương đồng
- Cả Maslow và Harzberg đều đưa ra học thuyết liên quan đến những nhu cầu khác nhau của nhân viên. Cả 2 đều có sự phân loại một cách thích hợp
- Trong xã hội ngày nay, những nhu cầu cấp thấp như nhu cầu sinh lý (thức ăn, nơi ở, …) của Maslow hầu như đã được đáp ứng, vì vậy nhu cầu này không còn là động lực nữa. Tuy vậy những nhu cầu cao hơn như nhu cầu xã hội, được quý trọng, được thể hiện bản thân, là những nhu cầu quan trọng trong việc tạo ra động lực. Tương tự, theo Herzberg, các nhân tố duy trì như tiền lương, điều kiện làm việc phải đáp ứng đầy đủ, nhằm tránh mất đi động lực cần thiết. Khi nhân tố duy trì được đáp ứng, các yếu tố như sự thăng tiến, trách nhiệm, sự thừa nhận của người khác sẽ phát huy tác dụng và thúc đẩy động lực.
Điểm khác biệt
- Điểm khác biệt quan trọng là đối với nhu cầu Maslow, những nhu cầu cấp thấp của một cá nhân như đồ ăn, nơi ở, công việc ổn định, … được coi là có sức mạnh quan trọng và thúc đẩy mọi người. Nhưng đối với Herzberg, đây chỉ là những nhân tố duy trì, nếu không đáp ứng được các yếu tố này thì con người sẽ không hài lòng, nhưng nếu có đầy đủ (hoặc thậm chí dư thừa) thì những yếu tố này không tạo ra bất cứ một động lực nào. Theo Herzberg, động cơ thúc đẩy một người không phải là những nhân tố duy trì này. Maslow thì cho rằng các nhu cầu trên đều là động cơ thúc đẩy, tuỳ thuộc vào mức độ tinh thần của mỗi cá nhân.
- Maslow xây dựng lý thuyết của mình dựa trên sự hiểu biết sâu sắc, suy nghĩ cá nhân và kinh nghiệm khi làm bác sỹ tâm thần, còn Herzberg thì đưa ra lý thuyết của mình dựa trên nghiên cứu của ông vào 1 nhóm nhân viên cụ thể.
- Tháp nhu cầu Maslow quan tâm đến nhu cầu của con người ở mọi lĩnh vực, mọi thời gian và địa điểm khác nhau. Còn Herzberg thì quan tâm đến nhu cầu của nhân viên trong công việc và môi trường làm việc của họ. Vì vậy tháp nhu cầu Maslow mang tính tổng quát hơn so với thuyết hai nhân tố Herzberg.
- Lý thuyết của Maslow có thể áp dụng cho mọi người nói chung, bất kể tầng lớp, vị trí của họ trong xã hội. Ngược lại lý thuyết của Herzberg tập trung vào những nhân viên nhiều hơn, ví dụ như kỹ sư, kế toán, nhân viên văn phòng, … tức là những người có cấp bậc, vị trí cao trong một tổ chức.