Đôi khi trong cuộc sống hàng ngày, việc tìm ra giải pháp để giải quyết các vấn đề thường rất phức tạp và khó khăn. Tuy vậy một số nghiên cứu cho thấy giải pháp tốt nhất là những giải pháp đơn giản và rõ ràng nhất. Ví dụ, trong công việc tư vấn bán hàng, việc giúp khách hàng có thể hình dung được những thông tin chi tiết, cụ thể có thể giúp người bán hàng triển khai kế hoạch bán hàng được tốt hơn. Ngày nay chúng ta thấy nhiều nhân viên tư vấn thông thường sử dụng các công cụ, catalouge có hình ảnh rõ ràng khi đi trao đổi với khách hàng. Theo đó, kỹ thuật SQVID sẽ hỗ trợ chúng ta đưa ra ý tưởng cho người khác, đây là một kỹ thuật dễ dàng và cực kỳ tuyệt vời.
SQVID là gì?
Trong cuốn sách “Chỉ Cần Mẫu Khăn Giấy” (“The Back of the Napkin”), Dan Roam đã mô tả kỹ thuật SQVID như là một công cụ trực quan. SQVID sẽ giúp biến những hình ảnh thông thường, các slide Powerpoint nhàm chán thành một bản trình bày thật sự háp dẫn. SQVID là viết tắt của 5 chữ: Simple (đơn giản), Quality (chất lượng), Vision (viễn cảnh), Individual (riêng biệt) và biểu tượng Delta (đại diện cho Change – thay đổi).
a. Simple (Đơn giản)
Đơn giản hay phức tạp
Hãy tưởng tượng khách hàng của chúng ta là một em bé nhỏ tuổi. Em bé ấy không thể biết gì về các chiến lược kinh doanh hay phân tích được chúng. Khi ấy, sử dụng những từ ngữ, khái niệm dài dòng, mang tính chất chuyên môn có thể khiến vị khách hàng ấy cảm thấy bối rối, khó hiểu, đôi khi còn có thể mang lại cảm giác khó chịu.
Vì vậy, lựa chọn từ ngữ đơn giản là yếu tố sẽ mang lại sự chiến thắng trong cuộc giao tiếp. Thông điệp càng đơn giản, rõ ràng thì khách hàng có thể dễ dàng bám sát, đồng thời có thể nghe theo gợi ý đề xuất của chúng ta.
b. Quality (Chất lượng)
Chất lượng hay số lượng?
Chúng ta thường hay mắc một lỗi là phân tích quá nhiều, cố gắng thể hiện sự hiểu biết, khả năng phân tích để khách hàng có thể tin tưởng hơn. Tuy vậy trong thực tế, khách hàng lại không quan tâm quá nhiều về số lượng các bài phân tích hoặc các phương pháp chúng ta sử dụng. Thay vào đó, bạn nên tập trung vào một số mục tiêu cụ thể, chỉ tiến hành phân tích sâu vào những mục tiêu đấy, thì ý tưởng của chúng ta sẽ chất lượng và có sự hoàn thiện tốt hơn. Khi phân tích quá nhiều, chúng ta thường tạo ra nhiều bài phân tích hơn, nhưng với chất lượng và nội dung kém hơn khi chúng ta chỉ tập trung vào một số vấn đề cụ thể.
Vì vậy, hãy chọn lọc và đặt mục tiêu phù hợp, tập trung phân tích và hoàn thiện tốt những phần đấy, khách hàng sẽ nhận ra được nỗ lực và sẽ đánh giá cao những ý kiến, đề xuất của chúng ta.
c. Vision (Viễn cảnh)
Viễn cảnh hay việc thực thi là quan trọng hơn vào lúc này?
Vấn đề tiếp theo là chúng ta thường hay quan tâm tới việc đưa ra mục đích, ý định của chúng ta mà không cho người đối diện một cái nhìn bao quát. Họ sẽ cảm thấy khó hiểu, từ đó không quan tâm dần đễn những phân tích, dẫn chứng của chúng ta.
Ví dụ: Bạn đang trình bày cho sếp của bạn về kế hoạch kinh doanh sắp tới. Nếu bạn chỉ đưa ra ý định của mình, “Anh nên giảm giá 10% trong tháng sau, anh sẽ có thêm 100 khách hàng”, thì sẽ khiến anh ta không hình dung được kế hoạch này sẽ ảnh hưởng đến tình hình của công ty. Thay vì vậy, hãy đưa ra nhiều phương án khác để cho anh ta hiểu hơn, mỗi phương án sau sẽ ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của công ty như thế nào:
- Giảm giá 10%, tăng 100 khách hàng, tăng 5% doanh thu
- Giữ nguyên giá hiện tại
- Tăng giá 10%, mất đi 150 khách hàng, mất đi 10% doanh thu.
Lúc này, sếp của bạn sẽ hiểu rõ hơn viễn cảnh hiện tại và từ đó có thể cân nhắc đề xuất của bạn. Luôn so sánh và đối chiếu để làm cho người đối diện thấy được cái nhìn tổng quát. Đôi khi, bạn có thể sử dụng màu sắc để giúp vấn đề được hiểu rõ và sinh động hơn. Đừng bắt người đối diện phải đoán, hãy giúp họ hiểu rõ phân tích của mình có những ưu nhược điểm gì.
d. Individual (Riêng biệt)
Nhìn nhận ý kiến cá nhân một cách riêng biệt hay so sánh với cái khác?
Những ý tưởng của bạn phải tốt hơn những ý tưởng khác. Đừng bắt người đối diện phải so sánh với các bài phân tích khác. Cho họ thấy những đề xuất, ý tưởng của chúng ta thực sự đáng để quan tâm. Nó phải có tính riêng biệt và tính độc đáo riêng.
e. Delta – Change (Thay đổi)
Ý tưởng được hình thành nhờ sự thay đổi hay giữ nguyên hiện trạng?
Đôi khi trong cuộc giao tiếp, khi chúng ta đã đưa ra ý tưởng rồi, những người đối diện lại cung cấp cho chúng ta một số thông tin, yêu cầu bổ sung và đề xuất các thay đổi dựa trên những thông tin đó. Trước khi chấp nhận lời đề nghị này, phải chắc chắn rằng chúng ta đã hiểu hết nội dung yêu cầu, nếu không, hãy hỏi thăm họ để có thêm thông tin, đặt những câu hỏi để hiểu bối cảnh vấn đề. Đừng chấp nhận yêu cầu một cách bất cẩn chỉ vì bạn nôn nóng muốn thức hiện chúng.
Chúng ta không thể đánh lừa người đối diện bằng cách thực hiện các yêu cầu một cách cẩu thả. Sự việc càng tệ hơn nữa khi chúng ta đồng ý với lời đề nghị thay đổi chỉ vì mong muốn họ vui lòng.