The Tipping Point – Điểm bùng phát – Malcolm Gladwell17 phút đọc

The Tipping Point - Điểm Bùng Phát - Malcolm Gladwell

Nói về cuốn sách trong 1 câu

Điểm bùng phát giải thích ý tưởng về mọi thứ được lan truyền như thế nào, tất cả những yếu tố như những cuốn sách bán chạy nhất, xu hướng thời trang, dịch bệnh lan truyền theo một khuôn mẫu cơ bản.

5 điểm cảm thấy hay nhất trong cuốn sách

  • Một khi ý tưởng, vấn đề đạt đến đỉnh điểm, nó sẽ lan truyền rất nhanh
  • Có 3 loại người sẽ giúp lan truyền một vấn đề hay ý tưởng nào đó
  • Các ý tưởng cần có một yếu tố kết dính trước khi nó được lan truyền rộng rãi
  • Hoàn cảnh, môi trường có ảnh hưởng lớn đến hành vi của chúng ta
  • Ngay cả những thay đổi nhỏ nhất cũng có thể tạo thành một sự thay đổi lớn, một đợt bùng phát thật thụ

Một số ý chính của quyển sách

Nội dung xuyên suốt quyển sách nhằm phân tích rõ cho người đọc thấy tại sao một số ý tưởng lại có khả năng lan truyền nhanh chóng, trong khi đa số các ý tưởng còn lại thì không? Lấy ví dụ như công ty sản xuất giày Hush Puppies, chuyên cung cấp ra thị trường các đôi giày dùng để giữ ấm cho mùa đông trong những năm 1990. Đột nhiên về sau mọi người đều tìm mua và sử dụng đôi giày này. Chỉ trong vòng 1 năm, doanh số bán hàng đã tăng vọt từ 30.000 lên 430.000 đôi, trong năm tiếp theo, khoảng 2 triệu đôi giày Hush Puppies đã được bán.

Điểm bùng phát là thời điểm mà một xu hướng có thể biến thành một trào lưu, một “dịch bệnh” và được lan truyền rộng rãi. Ví dụ như công ty Sharp sản xuất máy fax vào năm 1984, chỉ bán được vỏn vẹn 80.000 chiếc máy trong năm đầu. Đến năm 1987, khi ý tưởng này trở thành điểm bùng phát thì doanh số bán hàng bắt đầu nhảy vọt, hầu như mọi người đều sở hữu cho riêng mình 1 chiếc máy Fax.

Nói cách khác, có một sự thay đổi cơ bản diễn ra tại điểm bùng phát, khiến cho sự lây nhiễm đột nhiên lây lan mạnh mẽ. Tuy vậy, các yếu tố ảnh hưởng đến sự lây lan là gì? Từ đó, tác giả đưa ra 3 nguyên tắc chính để một yếu tố đạt được điểm bùng phát:

  • Quy luật số ít
  • Yếu tố kết dính
  • Sức mạnh của ngữ cảnh
Quy luật số ít

Quy luật 80-20 được Malcolm Gladwell thể hiện trong nội dung này. Quy tắc này là một hiện tượng xã hội học cho thấy rằng 20% số lượng người có thể ảnh hưởng đến 80% kết quả cuối cùng. Ví dụ:

  • 20% nhân viên trong công ty sẽ thực hiện 80% kết quả công việc
  • 20% tội phạm gây ra 80% tội ác
  • 20% tài xế gây ra 80% vụ tai nạn
  • 20% người uống bia sẽ uống 80% tổng lượng bia

Vì vậy, Malcolm Gladwell cho rằng dịch bệnh do virus thì chỉ cần một vài người chủ chốt có thể gây ra đại dịch. Theo đó, tác giả đưa ra ví dụ về một tiếp viên hàng không người Mỹ đã quan hệ với hơn 2.500 người ở Bắc Mỹ. Tiếp viên hàng không này đã mắc bệnh AIDS, sau một thời gian đã làm bùng lên đại dịch bệnh AIDS cho Hoa Kỳ.

Tóm gọn, để bùng phát một ý tưởng nào đó, Malcolm Gladwell cho rằng chỉ cần có 3 kiểu người có phẩm chất đặc biệt:

  • Nhà thông thái (Mavens): Đáng tin, có nhiệm vụ thu thập và cung cấp thông tin
  • Người kết nối (Connectors): Nhiều mối quan hệ, có nhiệm vụ truyền đạt thông tin
  • Người bán hàng (Salesmen): Thuyết phục đối tượng, người khác tin vào thông tin
Nhà thông thái (Mavens)

Những nhà thông thái đóng vai trò quan trọng trong việc làm lây lan một vấn đề cụ thể. Những người này am hiểu nhiều chủ đề, kiến thức, vì vậy họ luôn thu thập được thông tin mới và tạo ra mối liên kết giữa những thông tin này với kiến thức của họ. Thông tin phổ biến nhất những người này thu thập thường liên quan đến xu hướng hoặc một sản phẩm cụ thể.

Những nhà thông thái không có mạng lưới xã hội rộng rãi, nhưng họ lại có ảnh hưởng rất lớn đến những người có trong mạng lưới của mình. Đơn giản bởi vì những người xung quanh những nhà thông thái này tin tưởng bởi vì họ có kiến thức sâu rộng. Chính vì vậy, bạn bè và gia đình của nhà thông thái sẽ làm theo những lời khuyên của họ. Nếu nhà thông thái tự tin về một sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó, họ sẽ giới thiệu đến mọi người xung quanh, và những người này sẽ nghe theo lời khuyên của nhà thông thái.

Người kết nối (Connectors)

Người kết nối là những người có mạng lưới xã hội rộng lớn, điều này cho phép họ có thể truyền bá ý tưởng nào đó cho rất nhiều người chỉ trong thời gian ngắn. Điều quan trọng là những người kết nối này thường có nhiều mối quan hệ trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ biết cách giao tiếp hiệu quả với mọi người xung quanh, tạo ra rất nhiều mối quan hệ. Đối với những người kết nối, họ quan tâm nhiều hơn việc có các mối quan hệ hơn là có những quan hệ thân thiết với một số người. Số lượng hơn chất lượng!

Trong một thí nghiệm xã hội vào những năm 1960, các nhà khoa học phát hiện ra rằng mọi người trong chúng ta đều được kết nối với người khác chỉ thông qua một vài người. Vì vậy, nếu bất cứ một ý tưởng nào đó muốn lan truyền mạnh mẽ, thì có lẽ ý tưởng đó nên tập trung hơn vào những người kết nối này, họ là những người có thể gây ra một xu hướng mới, châm ngòi cho một bệnh dịch xã hội.

Người bán hàng (Salesmen)

Một số người khi sinh ra đã có tố chất thiên bẩm là người bán hàng tài ba. Những người này lạc quan, có nguồn năng lượng dồi dào và đầy nhiệt huyết. Chính những phẩm chất này giúp họ có khả năng thuyết phục người khác về những ý tưởng mới xuất hiện. Điểm mạnh lớn nhất của người bán hàng chính là khả năng giao tiếp, đặc biệt là ngôn ngữ cơ thể. Những cách thức giao tiếp không lời này tạo ra nhịp điệu trong cuộc giao tiếp, thiết lập cảm giác tin cậy và thân mật cho người đối diện.

Malcolm Gladwell cho rằng những người bán hàng thể hiện cảm xúc của họ quá rõ ràng, dễ mang tính lây lan cao. Đến mức khi giao tiếp, người khác sẽ đồng cảm với họ ngay lập tức và dễ dàng thay đổi hành vi của chính bản thân mình. Dựa trên những điều này, người bán hàng ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi người và có thể truyền bá ý tưởng, tạo nên một đợt bùng phát thật thụ.

Yếu tố kết dính

Tuy vậy không phải ý tưởng nào cũng sẽ được lan truyền rộng rãi, ý tưởng phải khơi dậy sự quan tâm trước đã. Vì vậy Malcolm Gladwell giải thích rằng một ý tưởng cần phải có cái gì đó đặc biệt, hấp dẫn mọi người, nổi bật so với những thông tin bình thường hàng ngày. Ngay cả những chi tiết nhỏ nhất đôi khi cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn, khiến cho ý tưởng đó sẽ được lan truyền mạnh mẽ.

Vì vậy, Malcolm Gladwell cho rằng để tạo ra mốt ý tưởng có thể được lan truyền mạnh mẽ, thì ý tưởng đó sẽ cần phải có chất kết dính, phải đáng nhớ và có thể thúc đẩy mọi người hành động. Tuy vậy làm thế nào để chúng ta có thể tạo ra chất kết dính này? Có một cách có thể làm được điều này, đó là biết rõ đối tượng mục tiêu của mình và chúng ta sẽ tìm ra điều gì có thể khiến cho thông điệp trở nên đáng nhớ đối với họ. Ví dụ điển hình là chương trình giáo dục cho trẻ em Sesame Street và Blue’s Clues. Một số nghiên cứu cho thấy trẻ em không giống như người lớn, các bé nhìn ra khỏi màn hình TV khi chúng cảm thấy bối rối và sẽ tiếp tục xem khi chúng hiểu chuyện gì đang xảy ra. Trẻ em thật sự thích xem những thứ có sự kết hợp giữa tường thuật với khả năng dự đoán của bản thân. Về sau, chương trình Sesame Street tạo ra chương trình săn tìm kho báu lặp đi lặp lại, chương trình này có thể sẽ khiến cho người lớn cảm thấy nhàm chán, nhưng trẻ em thì ngược lại, các bạn rất thích thú với những gì mình được học. Rõ ràng, 2 đối tượng mục tiêu khác nhau cần được tiếp cận theo những cách khác nhau.

Sức mạnh của ngữ cảnh

Hành vi của mỗi người đều phụ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài và bản chất thật sự bên trong chúng ta. Vì vậy, khi môi trường có những thay đổi dù là nhỏ nhất cũng có thể tác động đáng kể đến hành vi của chúng ta. Ví dụ, một nghiên cứu về sinh viên đang trên đường đến lớp học để tham gia thuyết trình, 50% trong số đó cho biết họ không cần phải vội vàng phải đến đó, một nửa còn lại cho biết họ phải cần đến đúng giờ. Trên đường đi đến lớp, cả 2 nhóm này đều gặp phải một người đàn ông gục ngã, cần sự giúp đỡ. Trong nhóm đầu tiên, 63% sinh viên dừng lại để giúp đỡ, trong khi đó nhóm thứ hai, chỉ có 10% số sinh viên dừng lại.

Một ví dụ khác, trong thử nghiệm nhà tù Stanford, 24 nam giới khoẻ mạnh được yêu cầu ở lại 1 nhà tù giả trong vòng 2 tuần, mỗi người được giao một vai trò cụ thể: lính canh hoặc tù nhân. Tuy vậy cuộc thử nghiệm này nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát, các lính canh đã tận dụng sức mạnh của họ, ngày càng trở nên độc ác và tàn bạo hơn rất nhiều, khiến cho các tù nhân bị suy sụp về thể chất lẫn tinh thần vì bị tra tấn. Cuộc thí nghiệm đã bị huỷ bỏ chỉ sau 6 ngày do những hành vi phi đạo đức của những lính canh. Có thể nói, mặc dù đây chỉ là thử nghiệm nhưng đã biến những người tham gia, đặc biệt là lính canh, thành người hoàn toàn khác. Vì vậy môi trường, hoàn cảnh đã tác động rất lớn đến hành vi của những người này.

Môi trường, hoàn cảnh, bối cảnh, khi có những thay đổi dù chỉ là nhỏ nhất cũng có thể tạo ra một đợt bùng phát rất lớn. Ví dụ tại thành phố New York trong năm 1984, một người đàn ông da trắng Bernhard Goetz đã bắn chết 4 thanh niên da đen trên một chuyến tàu điện ngầm. Các bài báo, phương tiện truyền thông mô tả sự kiện này là đỉnh điểm của đại dịch tội phạm. Sau sự kiện này, Bernhard Goetz là nhân vật gây chia rẽ: một số người thì xem anh ta là 1 tên tội phạm, một số người đều ca ngợi anh ta vì đã ngăn chặn “thứ” có khả năng phá hoại sau này. Dù hiểu theo cách nào đi nữa, rõ ràng tội phạm đang gia tăng đáng kể trong thập niên 1990. Về sau, cảnh sát bắt đầu xem xét bức tranh tổng thể lớn hơn, họ nhận ra rằng nguyên nhân gây ra chính là các bức tranh vẽ bậy trên tàu điện ngầm và người dân tránh né việc trả tiền vé. Vì vậy, chính quyền đã phát động một chiến dịch nhằm loại bỏ các hình vẽ bậy, đồng thời coi việc trốn đóng tiền vé là một tội ác phải bị trừng phạt. Mặc dù chúng ta có thể xem thường 2 chiến dịch này, nhưng việc loại bỏ 2 yếu tố nhỏ trên đã tác động đáng kể đến tỷ lệ tội phạm. Môi trường có thể xác định suy nghĩ và hành vi của tội phạm, những thay đổi này đã làm những tội phạm trở nên tích cực và tốt hơn.

Một yếu tố khác của ngữ cảnh chính là quy mô của 1 nhóm. Malcolm giới thiệu quy tắc 150, có nghĩa là nếu chúng ta không muốn tạo ra một bệnh dịch nào đó, thì khi thành lập một nhóm, số lượng thành viên không nên vượt quá 150 người. Chính vì vậy, tác giả gợi ý rằng các câu lạc bộ, cộng đồng, công ty, bệnh viện, trường học, … nếu không muốn thành nơi ươm mầm cho các thông điệp dễ lây lan, hãy đảm bảo giữ số lượng thành viên ở quy mô nhỏ. Nếu quy mô phát triển ngày càng lớn dần, cũng nên chia tách ra thành các bộ phận, phòng ban nhỏ hơn, đảm bảo số lượng dưới 150 người trong 1 nhóm.

Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời kinhtequantri một ly cà phê nhé!

By admin
0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
%d bloggers like this: