Mỗi người trong chúng ta là những cá thể khác nhau và có tính cách riêng. Các nhà nghiên cứu cho rằng con người chúng ta tuy đa dạng về tính cách, nhưng có những đặc điểm riêng theo từng loại nhất định. Nếu biết mình thuộc loại tính cách nào, chúng ta sẽ hiểu hơn về bản thân, hiểu lý do tại sao ta lại làm mọi việc theo một số cách nhất định.
Một trong những cách thức đánh giá tính cách nổi tiếng và được sử dụng rộng rãi nhất là Myers-Briggs Type Indicator, hay thường được gọi là MBTI. Cách thức này dựa trên công trình nghiên cứu của Carl Jung, bác sỹ tâm thần nổi tiếng người Thuỵ Sỹ. Ông đã nghiên cứu các nhóm mẫu tính cách và sáng lập ra tâm lý học phân tích. Sau này Katherine Briggs và con gái của bà, Isobel Briggs Myers, đã mở rộng lý thuyết của Jung để xác định 4 cặp yếu tố tâm lý đối lập.
Tổng quan về bài trắc nghiệm tính cách MBTI
Dựa trên các câu hỏi trắc nghiệm, chúng ta sẽ xác định nhóm tính cách của mình trong tổng cộng 16 loại tính cách. Mục tiêu của bài kiểm tra MBTI là cho phép người thực hiện khám phá và hiểu thêm về tính cách của mình, bao gồm sở thích, những thứ không thích, điểm mạnh, điểm yếu, sở thích nghề nghiệp và khả năng tương thích với người khác.
Không có loại tính cách nào là tốt nhất, tệ nhất trong các loại tính cách. Đây không phải là công cụ dùng để xác định các yếu tố bất thường trong tính cách mỗi người. Mục tiêu đơn giản là giúp chúng ta hiểu thêm về bản thân.
Kết quả trắc nghiệm tính cách MBTI được hình thành từ 4 cặp thang đo khác nhau.
Hướng ngoại (E – Extraversion) – Hướng nội (I – Introversion)
Đây là cách mà chúng ta phản ứng và tương tác với thế giới xung quanh như thế nào. Tất cả mọi người đều thể hiện sự hướng ngoại và hướng nội ở một mức độ nào đó, tuy vậy chúng ta sẽ có xu hướng tổng thể nổi trội hơn.
- Hướng ngoại (E): có xu hướng hành động, thích giao tiếp xã hội thường xuyên, cảm thấy tràn đầy năng lượng sau khi dành thời gian cho người khác. Thông thường những người này bị kích thích bởi các sự kiện và mọi người xung quanh. Họ thường xuyên thể hiện cảm xúc của mình, học hỏi thông qua giao tiếp thường xuyên và làm việc nhóm tốt.
- Hướng nội (I): có xu hướng định hướng suy nghĩ, thích suy tư, tự khám phá bản thân. Những người này che giấu cảm xúc của mình, thích làm việc một mình, học hỏi thông qua quan sát mọi thứ xung quanh.
Giác quan (S – Sensing) – Trực giác (N – iNtuition)
Đây là cách chúng ta thu thập thông tin từ thế giới xung quanh mình. Cũng giống như hướng ngoại và hướng nội, mọi người đều dành một khoảng thời gian để cảm nhận và suy nghĩ theo từng tình huống.
- Giác quan (S): Đây là những người sử dụng 5 giác quan vật lý của mình (thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác và khứu giác) để cảm nhận mọi thứ. Họ chú ý nhiều đến thực tế, tập trung vào các sự kiện, chi tiết và thích trải nghiệm thực tế.
- Trực giác (N): Đây là những người thích dựa vào bản năng hơn. Họ làm việc, hành động dựa trên linh cảm và cảm giác, thích suy nghĩ về các khả năng, thường xuyên tưởng tượng và thích các lý thuyết trừu tượng.
Lý trí (T – Thinking) – Cảm xúc (F – Feeling)
Đây là cách mà chúng ta sẽ đưa ra quyết định và hành động dựa trên thông tin mà ta thu thập được từ các chức năng giác quan (S) hoặc trực giác (N) của mình.
- Lý trí (T): Những người này sử dụng tư duy logic và các thông tin khách quan. Thông thường họ hay đặt ra nhiều câu hỏi “Tại sao?”.
- Cảm xúc (F): Những người này sử dụng cảm xúc và thông tin chủ quan của họ. Họ sử dụng rất nhiều từ, thích hoà đồng và hay giúp đỡ người khác.
Nguyên tắc (J – Judging) – Linh hoạt (P – Perceiving)
Hai yếu tố cuối cùng liên quan đến cách mà chúng ta đối phó với thế giới bên ngoài.
- Nguyên tắc (J): Những người này khá cứng nhắc, làm việc có kế hoạch rõ ràng, tuân theo các quy tắc và có tính kỷ luật, tổ chức cao.
- Linh hoạt (P): Những người này khá thoải mái, linh hoạt, dễ thay đổi, dễ thích nghi và thích khám phá mọi thứ.
Xác định loại tính cách
Sau khi xác định từng yếu tố trong 4 cặp trên, chúng ta sẽ có được 16 loại tính cách khác nhau:
- ENFJ – Người chỉ dạy (Teacher): Đây là những nhà tổ chức theo chủ nghĩa lý tưởng, họ hoạt động và thực hiện công việc nhằm mang đến những gì tốt nhất cho nhân loại. Những người này thường đóng vai trò là chất xúc tác cho sự phát triển của con người vì khả năng nhìn thấy được tiềm năng của người khác. Họ có sức lôi cuốn trong việc thuyết phục người khác nghe theo lý tưởng của họ.
- ENFP – Người truyền cảm hứng (Inspirer): Đây là những người sáng tạo, lấy con người làm trung tâm, đam mê hứng thú với khả năng của người khác. Những người này năng động, nồng nhiệt và có nhiều đam mê, đặc biệt thích giúp người khác khám phá tiềm năng sáng tạo của họ.
- ENTJ – Nhà điều hành (Executive): Đây là những nhà lãnh đạo chiến lược, có động lực để tổ chức thay đổi. Họ nhanh nhạy trong việc nhận ra các vấn đề kém hiệu quả và từ đó lên ý tưởng cho các giải pháp mới, song song đó thích phát triển những kế hoạch dài hạn để thực hiện tầm nhìn của bản thân. Những người này có tư duy logic rất tốt, nhanh nhạy và thích mọi thứ phải rõ ràng.
- ENTP – Người có tầm nhìn xa (Visionary): Đây là những nhà đổi mới thật thụ, truyền cảm hứng cho mọi người, có động lực để tìm ra các giải pháp mới cho những vấn đề khó khăn. Họ tò mò và thông minh, thích tìm hiểu những việc liên quan đến con người, hệ thống và các nguyên tắc.
- ESFJ – Người quan tâm (Caregiver): Đây là những người nhiệt tình, thường xuyên giúp đỡ, nhạy cảm với nhu cầu của người khác, năng nổ, tận tâm với trách nhiệm của họ. Họ rất hoà hợp với môi trường cảm xúc, chú ý đến cảm xúc của mọi người xung quanh, đồng thời khá xem trọng nhận thức của mọi người nhìn nhận về họ.
- ESFP – Người trình diễn (Performer): Đây là những thích nghệ thuật, giải trí, hoạt bát, thu hút mọi người xung quanh. Họ là những người tự phát, tràn đầy năng lượng và thích sự vui vẻ, thích mọi thứ xung quanh mình như thiên nhiên, động vật, thức ăn, quần áo và đặc biệt là con người.
- ESTJ – Người giám sát (Guardian): Đây là những người chăm chỉ, luôn mong muốn được phụ trách tổ chức các dự án, quản lý con người. Họ thích sự trật tự, tuân thủ các quy tắc, coi trọng sự tận tâm, thích hoàn thành công việc và có xu hướng thực hiện các dự án một cách có hệ thống, có phương pháp cụ thể.
- ESTP – Người thực thi (Doer): Đây là những người luôn tràn đầy năng lượng, mang lại cảm giác năng động cho mọi người xung quanh và thế giới xung quanh họ.
- INFJ – Người che chở (Protector): Đây là những người có sự sáng tạo, ý thức trong công việc cao, có tính chính trực và động lực giúp mọi người xung quanh có thể nhận ra tiềm năng của họ.
- INFP – Người duy tâm (Idealist): Đây là những người giàu trí tưởng tượng, thực hiện công việc bởi các giá trị cốt lõi và niềm tin của riêng họ. Đối với những người này, khả năng trong tương lai quan trọng hơn, tình trạng hiện tại chỉ là mối quan tâm thoáng qua. Họ nhìn thấy được tiềm năng trong tương lai, theo đuổi công việc bằng chính sự tinh tế của mình.
- INTJ – Nhà khoa học (Scientist): Đây là những người giải quyết vấn đề bằng cách thức phân tích mọi việc, mong muốn cải thiện hệ thống và quy trình bằng những ý tưởng sáng tạo của họ. Những người này có khả năng nhìn ra vấn đề, khả năng tìm ra giải pháp, cải thiện, dù là trong công việc, gia đình hay cá nhân.
- INTP – Nhà tư duy (Thinker): Đây là những người đặc biệt bị cuốn hút bởi phân tích logic, suy nghĩ có hệ thống. Họ bận tâm với lý thuyết, tìm kiếm quy luật đằng sau mọi thứ họ có thể nhìn thấy. Những người này muốn hiểu mọi việc trong cuộc sống, đào sâu các vấn đề phức tạp nhất.
- ISFJ – Người nuôi dưỡng (Nurturer): Đây là những người cần cù, thích chăm sóc, trung thành với những thứ truyền thống, trung thành với tổ chức. Họ sống thực tế, có lòng nhân ái, thích quan tâm, bảo vệ người khác khỏi những hiểm hoạ trong cuộc sống.
- ISFP – Người nghệ sĩ (Artist): Đây là những người nhẹ nhàng, tận hưởng cuộc sống hiện tại, tận hưởng môi trường xung quanh với sự nhiệt tình, vui vẻ, ít có tính nghiêm túc. Những người này linh hoạt, thích tận hưởng những gì hiện tại cuộc sống đang mang lại cho họ.
- ISTJ – Người trách nhiệm (Duty Fullfiller): Đây là những người có tính tổ chức, tính trách nhiệm cao, được thúc đẩy để tạo ra và thực thi trật tự trong các hệ thống. Những người này gọn gàng, có tính trật tự cao trong mọi việc, làm theo quy trình được họ đề ra ngay từ ban đầu.
- ISTP – Nhà cơ học (Mechanic): Đây là những người tinh ý, có hiểu biết về kỹ thuật và quan tâm đến việc khắc phục sự cố. Họ thực hiện công việc với một tư duy logic linh hoạt, tìm kiếm các giải pháp thiết thực để giải quyết các vấn đề.