Trend là hướng đi tổng thể của thị trường hoặc giá cả của một loại tài sản. Trong phân tích kỹ thuật, trend được xác định bằng các đường xu hướng (trendline) hoặc hành động giá (Price Action). Khi giá tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, đáy sau cao hơn đáy trước thì trend được xác định là trend tăng, ngược lại, khi đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, đáy sau thấp hơn đáy trước, biểu thị cho xu hướng giảm.
Thông thường giao dịch với trend sẽ có 2 cách thức chính được các nhà giao dịch áp dụng:
- Giao dịch chung với xu hướng: khi trend được xác định tăng thì sẽ mua vào cổ phiếu, nếu trend giảm sẽ bán ra cổ phiếu.
- Xác định các điểm đảo chiều hoặc giao dịch ngược với xu hướng.
Trend tăng và giảm xảy ra ở mọi thị trường khác nhau, ví dụ như cổ phiếu, trái phiếu, hợp đồng tương lai, … Ngoài ra, các dữ liệu cũng có xu hướng cụ thể, chẳng hạn như dữ liệu hàng tháng, hàng năm.
Trend hoạt động như thế nào?
Các nhà giao dịch thường xác định xu hướng bằng các phương pháp phân tích kỹ thuật khác nhau, bao gồm đường xu hướng (trendline), hành động giá (Price action) hoặc các chỉ báo kỹ thuật (Indicator).
Về cơ bản, trend sẽ có 3 dạng:
- Trend tăng (Uptrend)
- Trend giảm (Downtrend)
- Trend ngang (Sideways)
Trong thị trường đang có Trend tăng, giá sẽ tăng lên một cách tổng thể. Không có gì là tăng lên liên tục mà không có dao động, nghĩa là giá sẽ có lúc tăng lúc giảm. Nếu chúng ta nhìn tổng thể, nhìn rộng ra với các khung thời gian lớn hơn, thì xu hướng sẽ hình thành rõ nét hơn. Một ví dụ điển hình cho việc xác định thị trường đang có trend tăng hay không, chúng ta sẽ nhìn vào đỉnh và đáy của các dao động đấy. Cụ thể, với việc giá tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, đáy sau cao hơn đáy trước, đây được coi là trend tăng điển hình. Tuy vậy, khi cấu trúc này bị phá vỡ, lúc này xu hướng tăng có thể mất đi, chuyển thành các dạng trend khác. Ngược lại, khi trend giảm xảy ra, chúng ta sẽ thấy đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, đáy sau thấp hơn đáy trước.
Vì vậy, trong thị trường có xu hướng tăng, các nhà giao dịch có thể dự đoán rằng xu hướng sẽ vẫn còn tiếp diễn, cho đến khi có dấu hiệu cho thấy trend tăng sắp hoặc đang biến mất, chuyển sang loại trend khác. Trong uptrend, các nhà giao dịch tập trung vào mua vào cổ phiếu, gia tăng lợi nhuận từ việc giá sẽ tiếp tục đi theo xu hướng tăng.

Ngược lại, khi xu hướng giảm được hình thành, các nhà giao dịch sẽ tập trung vào việc bán ra cổ phiếu, cố gắng giảm thiểu thiệt hại (cắt lỗ) hoặc chốt lợi nhuận. Đến một thời điểm nào đó, thị trường downtrend đưa giá về vùng hấp dẫn, nhiều nhà đầu tư xem xét giá hợp lý và tiến hành mua vào, lúc này có thể sẽ tạo ra xu hướng uptrend trở lại.

Trend không chỉ xuất hiện trong phương pháp phân tích kỹ thuật, mà các nhà đầu tư sử dụng phương pháp phân tích cơ bản cũng thường xuyên áp dụng. Họ thường phân tích sự thay đổi trong doanh thu, lợi nhuận, cơ cấu nợ, các chỉ số kinh doanh khác. Ví dụ về lợi nhuận: Nếu lợi nhuận của 1 doanh nghiệp tăng liên tục trong 4 tháng vừa qua, đây rõ ràng là một xu thế tích cực, họ sẵn sàng mua vào cổ phiếu ấy. Ngược lại, nếu doanh thu giảm liên tục, điều này báo hiệu công ty đang gặp khó khăn, vấn đề nào đó.
Ngoài trend tăng và giảm, sẽ có một khoảng thời gian giá sẽ ít vận động hơn, thể hiện cho sự cân bằng trong cung và cầu, thời gian này được gọi là sideways (trend đi ngang).
Một số lưu ý với việc xác định Trend
- Đường xu hướng cho chúng ta thấy rõ ràng giá đang hình thành theo chiều hướng nào, góp phần dự báo cho tương lai. Tuy vậy, nhà giao dịch cần thường xuyên vẽ lại xu hướng. Ví dụ: Khi thị trường đang trong xu hướng tăng, giá có thể giảm xuống dưới đường xu hướng, điều này không có nghĩa xu hướng uptrend đã kết thúc. Giá có thể di chuyển xuống dưới, sau đó bật tăng trở lại. Lúc này, nhà giao dịch nên vẽ lại đường xu hướng để phản ánh rõ hơn hành động giá mới này.
- Nên kết hợp thêm nhiều phương pháp khác để xác định trend. Nhiều chuyên gia trong phân tích kỹ thuật áp dụng trendline với hành động giá (Price action), kết hợp thêm một số chỉ báo khác (indicator) để xác định xu hướng, đồng thời xem xét xu hướng đấy có kết thúc hay chưa.